Tồn tại hàng ngàn năm, căn bệnh này vẫn khiến hơn 4.000 người chết mỗi ngày

Minh Nhật

(Dân trí) - Ngày 24/3 hàng năm là Ngày Thế giới phòng chống lao nhằm nâng cao nhận thức về bệnh lao toàn cầu và nỗ lực loại trừ bệnh lao.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm nước ta có hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo WHO 2020), trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình.

70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Tồn tại hàng ngàn năm, căn bệnh này vẫn khiến hơn 4.000 người chết mỗi ngày - 1

Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.

Trên thế giới, lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao. Mỗi ngày có hơn 4.100 người chết vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi.

Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm nay trên toàn cầu là "Invest to end TB. Save lives". Chủ đề nhấn mạnh về việc đưa ra nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần đầu tư, kêu gọi, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao, đạt được các cam kết chấm dứt bệnh lao do các nhà lãnh đạo toàn cầu đưa ra, và mục tiêu nhân văn nhất là cứu sống hàng triệu người trên thế giới không đáng phải chết vì bệnh lao. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến tiến trình đạt được cam kết trong giai đoạn cuối bị ảnh hưởng.

Trên cơ sở chủ đề của thế giới, áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam, Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao năm 2022 của Việt Nam là "Giảm thiểu tác động của Covid-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao". Trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến tiến trình thanh toán bệnh lao vào năm 2021, chủ đề trên nhấn mạnh năm 2022 này sẽ là lúc để chúng ta giảm thiểu những tác động của dịch bệnh, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh mới, đặc biệt là tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao, trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao là một bước đi điển hình, đột phá có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong bối cảnh hiện nay.