1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Căn bệnh lâu đời nhất lịch sử khiến hơn 13.000 người Việt chết mỗi năm

Minh Nhật

(Dân trí) - Mỗi năm vẫn có thêm gần 200.000 người Việt mắc bệnh lao. Trong 63% trường hợp, chi phí để điều trị bệnh chiếm hơn 1/5 tổng thu nhập của cả gia đình bệnh nhân.

Căn bệnh lâu đời nhất lịch sử vẫn là thách thức lớn

Lao đã tồn tại hàng ngàn năm và là căn bệnh lâu đời nhất. Kể từ thời điểm con người phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn lao đến nay cũng đã 138 năm, nhưng lao vẫn đang đe dọa an ninh y tế toàn cầu.

Báo cáo tại Hội thảo "Hợp tác y tế hướng tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam áp dụng chiến lược 2X, PGS Nguyễn Bình Hòa, Phó trưởng Ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết: "Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Theo thống kê mới nhất, mỗi năm Việt Nam có khoảng 176.000 ca mắc mới và 13.000 ca tử vong do lao".

Căn bệnh lâu đời nhất lịch sử khiến hơn 13.000 người Việt chết mỗi năm - 1

Không chỉ là vấn đề sức khỏe, theo PGS Hòa, bệnh lao còn ảnh hưởng rất lớn đến các mặt kinh tế, xã hội.

Cụ thể, tại Việt Nam, bệnh lao rất phổ biến trong nhóm tuổi 25-54 tuổi. Trong khi đó, nhóm tuổi này chiếm đến 70% lao động chính trong xã hội.

26% bệnh nhân lao phải ngừng làm việc hơn 6 tháng, 5% phải bán tài sản, 17% phải đi vay nợ và thu nhập trung bình giảm 25%. Gia đình có người nhà mắc lao nhạy cảm chi phí cho quá trình điều trị sẽ mất trung bình 1.068 USD. Con số này tăng gần gấp 4 lần nếu là lao kháng thuốc (4.286 USD).

"Chấm dứt bệnh lao là tránh đi cái chết của hàng chục ngàn người và làm cho hàng trăm ngàn gia đình hạnh phúc", PGS Hòa nhấn mạnh.

Áp dụng chiến lược chống Covid-19 để đối phó với bệnh lao

Để đến gần hơn với mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Chương trình Chống lao Quốc gia đã phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai Chiến lược 2X: Chụp X-quang ngực và Xét nghiệm GeneXpert tại cơ sở y tế và cộng đồng.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung,Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chiến lược 2X là một công cụ rất quan trọng để có thể phát hiện sớm và nhiều nhất các nguồn lây của bệnh lao.

Căn bệnh lâu đời nhất lịch sử khiến hơn 13.000 người Việt chết mỗi năm - 2

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung,Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương

Trong chiến lược này, các thiết bị chụp X-quang (có thể là xe X-quang hoặc máy X-quang di động) sẽ có nhiệm vụ sàng lọc nhiều nhất những người nghi mắc, kể cả những người không có triệu chứng lâm sàng nhưng có biểu hiện bệnh lao trên phim chụp. Sau đó, dùng xét nghiệm GeneXpert để phát hiện vi khuẩn lao trong cơ thể.

"Chống lao cũng giống như chống Covid-19. Không như trước đây, chúng ta chờ người dân có triệu chứng đến khám, với chiến lược mới này, ngành y tế sẽ đến mọi ngõ ngách, mọi căn nhà để chủ động phát hiện bệnh lao. Chúng ta phải phát hiện thật nhanh, phải tìm hết các ca bệnh và điều trị để hết nguồn lây lan thì sẽ có thể chấm dứt bệnh lao", PGS Nhung phân tích.

Căn bệnh lâu đời nhất lịch sử khiến hơn 13.000 người Việt chết mỗi năm - 3

Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam

Trao đổi với PV Dân trí tại hội thảo, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam khẳng định: "Việt Nam là quốc gia có vai trò quan trọng trong chiến lược đối với Chính phủ Hoa Kỳ, xét về các hỗ trợ phát triển và quan hệ ngoại giao. Hiện nay, USAID và Chính phủ Hoa Kỳ đang phối hợp chặt chẽ cùng Chương trình Chống lao Quốc gia để phát hiện các ca nhiễm và tiến hành điều trị cho bệnh nhân nhiễm. Mục đích cuối cùng là hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030".

Cũng theo bà Ann Marie Yastishock, trong 9 tháng vừa qua, Chiến lược 2X đã được triển khai thí điểm một cách toàn diện tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng cho 18 huyện thuộc 7 tỉnh (Thái Bình, Nghệ An, An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Tây Ninh và Tiền Giang). Chiến lược này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra 25 tỉnh thành trong tháng 12 năm 2020. Địa bàn triển khai bao gồm bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Đa khoa) cũng như các Trung tâm y tế huyện hoặc các Bệnh viện Đa khoa huyện.