1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Căn bệnh "ngàn năm" vẫn khiến hơn 10.000 người Việt tử vong mỗi năm

Minh Nhật

(Dân trí) - Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới với 172.000 người mắc lao và hơn 10.000 người chết vì căn bệnh này mỗi năm.

Lao đã tồn tại hàng ngàn năm và là căn bệnh lâu đời nhất. Kể từ thời điểm con người phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn lao đến nay cũng đã khoảng 140 năm, nhưng lao vẫn đang đe dọa an ninh y tế toàn cầu.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, những tác động của Covid-19 đã khiến các dịch vụ phát hiện bệnh lao và chăm sóc bệnh lao ở Việt Nam giảm nghiêm trọng, với tỷ lệ phát hiện ca bệnh lao giảm 23,5% trong 10 tháng đầu năm 2021. Đây là mức giảm sâu hơn so với trung bình của thế giới. Điều này rất đáng lo ngại.

Căn bệnh ngàn năm vẫn khiến hơn 10.000 người Việt tử vong mỗi năm - 1

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.

"Do đó, ngay tại các địa phương phải có hành động kịp thời. Ví dụ như một số tỉnh thành, UBND đã phân công cho những bệnh viện chuyên khoa tập trung 100% vào điều trị Covid-19. Đây là phương án không hợp lý. Nếu vậy, ai sẽ chữa trị những người bị bệnh lao? Người nghi ngờ mắc bệnh lao đến đâu để có thể phát hiện bệnh? Nếu không thay đổi thì bệnh lao tới đây sẽ quay trở lại. Lúc đó, chúng ta sẽ phải chi rất nhiều tiền để khống chế được căn bệnh này. Đây là một cảnh báo mà chúng tôi đã chuyển đến 63 UBND và Sở Y tế của các tỉnh thành trên toàn quốc", PGS Nhung nhấn mạnh.

Theo PGS Nhung, năm 2022 là năm bản lề để có thể hoàn thành mục tiêu chấm dứt được bệnh lao trước năm 2030. Nếu các địa phương vẫn tiếp tục theo lối cũ thì chúng ta không thể đạt được mục tiêu đề ra.

 Theo các chuyên gia, cơ chế lây nhiễm của bệnh lao rất nguy hiểm vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micromet, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài.

Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Không chỉ là vấn đề sức khỏe, bệnh lao còn ảnh hưởng rất lớn đến các mặt kinh tế, xã hội.

Cụ thể, tại Việt Nam, bệnh lao rất phổ biến trong nhóm tuổi 25-54 tuổi. Trong khi đó, nhóm tuổi này chiếm đến 70% lao động chính trong xã hội.

26% bệnh nhân lao phải ngừng làm việc hơn 6 tháng, 5% phải bán tài sản, 17% phải đi vay nợ và thu nhập trung bình giảm 25%. Gia đình có người nhà mắc lao nhạy cảm chi phí cho quá trình điều trị sẽ mất trung bình 1.068 USD. Con số này tăng gần gấp 4 lần nếu là lao kháng thuốc (4.286 USD).

Nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, ngày 16/2, tại Hà Nội, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trao tặng thêm các thiết bị phát hiện và chẩn đoán nhanh bệnh lao và thuốc điều trị lao với tổng trị giá khoảng 3 triệu USD cho Bệnh viện Phổi Trung Ương.

Căn bệnh ngàn năm vẫn khiến hơn 10.000 người Việt tử vong mỗi năm - 2

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trao tặng các thiết bị phát hiện và chẩn đoán nhanh bệnh lao và thuốc điều trị lao với tổng trị giá khoảng 3 triệu USD cho Bệnh viện Phổi Trung Ương.

Đợt trao tặng này bao gồm 38 máy chẩn đoán lao nhanh cùng 90.000 bộ xét nghiệm kèm theo và 10 máy X-quang kỹ thuật số sẽ được phân bổ cho các cơ sở y tế tuyến huyện trên cả nước, trong đó có các tỉnh vùng sâu, vùng xa như: Nghệ An, Lai Châu, An Giang và Đồng Tháp, những nơi có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao.

Đợt trao tặng này cũng bao gồm thuốc đủ để điều trị cho 15.000 bệnh nhân lao tiềm ẩn với liệu trình điều trị 3 tháng và sẽ được cấp phát trên toàn quốc. Bên cạnh đó, USAID cũng cung cấp các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho Chương trình Chống lao Quốc gia, cho nhân viên các cơ sở y tế và các đối tác địa phương.

Căn bệnh ngàn năm vẫn khiến hơn 10.000 người Việt tử vong mỗi năm - 3

Bà Ann Marie Yastishock - Giám đốc USAID Việt Nam.

Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock chia sẻ: "Những trang thiết bị của chúng tôi có thể hỗ trợ cho Chương trình chống lao quốc gia và Bộ Y tế, để tiếp cận chẩn đoán và điều trị cho các bệnh nhân. Sự hỗ trợ này cũng là một phần trong quan hệ hợp tác lâu dài của chúng tôi với Bộ Y tế và Chương trình chống lao quốc gia".

Kể từ năm 2018, USAID đã hỗ trợ Việt Nam hơn 16 triệu USD cho công tác phòng chống bệnh lao. Tiếp nối các hợp tác với Chính phủ Việt Nam, việc trao tặng thiết bị và thuốc hôm nay thể hiện sự hỗ trợ kiên định của USAID nhằm giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.