Tôi đi khám “Thần y”
(Dân trí) - Trong vai người đi khám bệnh tôi tìm đến thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, nơi có thầy lang Nam Hải. Ông thầy này tự xưng là “thần y” có thể chữa được bách bệnh. Đặc biệt, chỉ cần sờ ngón tay là thầy đã phán được bệnh?
Kỳ I: Một kiểu chữa bệnh kỳ quặc
Vừa nhìn thấy tôi lớ ngớ đứng ở đầu thôn, đám xe ôm đợi khách bên đường đã nhào đến mời mọc: “Đi khám thầy Nam Hải chứ gì, 10 nghìn đồng sẽ được dẫn vào tận nơi...”. Lưỡng lự một lúc rồi tôi cũng tặc lưỡi đồng ý mất 10 nghìn đồng để được một người trong số họ dẫn đường. Đi vòng vèo qua chùa Thầy, lên mặt đê sông Đáy, rồi rẽ xuống tỉnh lộ 79, đi thêm 500m nữa thì rẽ vào một con đường nhỏ, đây chính là đường dẫn đến ngõ nhà thầy. Bắt đầu từ đây là sự ồn ào náo náo nhiệt của những dãy hàng ăn, bãi gửi xe và nhà trọ nằm san sát trên con đường nhỏ dẫn vào nhà. Họ đon đả gọi với theo: “Nếu chưa được khám thì quay lại ăn uống, nghỉ ngơi nhé!”.
Đi tiếp một đoạn, anh xe ôm dừng lại và chỉ vào một ngôi nhà to tướng ốp kính màu vàng choé và nói rằng đây chính là nhà thầy rồi hối hả giục trả tiền để còn quay lại đưa người khác đến.
Tôi tiến vào nhà thầy Hải trong ánh mắt dò xét của đám thanh niên ngồi quán nước trước cổng. Ngôi nhà nằm trong một khuôn viên rộng rãi với mô hình hoạt động khép kín bao gồm hai dãy nhà dùng làm khu ghi số thứ tự, khám bệnh và bốc thuốc. Cố gắng lắm, tôi cũng đã xin được số 86, khám vào buổi chiều.
Trong sân lúc này còn khoảng 70 người đang chờ, họ đến từ các vùng khác như Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Yên Bái, thậm chí có người ở tận Cần Thơ nghe tiếng đồn về thầy cũng cất công ra tận nơi để được khám bệnh. Không ít người trong số họ cũng nghi ngại về tài năng của thầy Hải nhưng vì tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” nên cứ đánh liều đến thử xem sao!?
Đợi mãi đến tận chiều muộn, tôi và một người nữa (chị này tên Hoà, quê Vĩnh Phúc) mới được gọi vào khám. Phòng khám bệnh của thầy Hải rộng chừng chục mét vuông, được ngăn làm đôi. Phía ngoài kê chiếc giường khá xập xệ, cũ nát với khoảng chục người đang nằm, ngồi lổn nhổn trên đó, phía trong là bàn khám bệnh của thầy. Nơi thầy ngồi khám treo la liệt cờ, bằng khen và cả một tấm ảnh lớn chụp thầy đang đứng cạnh một vị lãnh đạo. Tuy nhiên, nếu đọc tất cả các loại bằng khen, giấy khen của thầy người ta cũng chẳng tìm thấy giấy tờ khen thưởng gì liên quan đến y tế.
Sau vài lời tán phét với người nhà, thầy gọi chị Hoà ngồi xuống, chìa tay để thầy thăm bệnh. Tưởng thầy sẽ bắt mạch như những thầy lang khác, ai dè thầy Hải xoa xoa ngón tay cái chị ta một hồi rồi “phán” rằng chị này đang có bệnh rất nặng về khớp, tiền đình, và cả dạ dày. Nhưng thật ra, chị Hoà đang khổ sở vì bệnh... xoang.
Nghe thầy phán bệnh, chị Hoà hốt hoảng nói chữa rằng chị đang muốn chữa bệnh xoang chứ mấy bệnh này chị không thấy có biểu hiện gì trong người. Thế là chị được thầy giải thích, do chị bị khớp và tiền đình nên mới ảnh bị hưởng rồi mới phát sinh ra bệnh xoang nặng đến thế, nếu chữa khỏi mấy bệnh như thầy đã phán thì bệnh xoang cũng theo đó mà khỏi. Sau đó, thầy Hải kê 6 thang thuốc với giá 15.000đ/thang và nói chị Hoà mang về uống thử, nếu thấy đỡ thì quay lại uống tiếp, chỉ 30 thang (khoảng 450.000 đồng) sẽ khỏi tất cả các loại bệnh trong người.
Đến lượt tôi, thầy cũng làm vài thủ tục “thăm khám” tương tự như chị Hoà, rồi bắt xoè lòng bàn tay cho thầy quan sát, rồi thầy Hải thông báo tôi đang bị viêm gan B rất nặng (tôi đã từng tiêm vacxin ngừa viêm gan B)!? Thấy tôi tỏ vẻ nghi ngờ, thầy lấy bút bi chỉ vào lòng bàn tay tôi rồi cao giọng: “Đây này, tay có màu vàng chứng tỏ đang bị viêm gan nặng còn gì nữa”.
Tiếp đó, thầy cũng kê cho tôi 6 thang thuốc với giá 90.000 đồng rồi dặn uống hết lại quay lại lấy tiếp, cứ uống vài chục thang là khỏi bệnh. Cầm đơn thuốc của thầy, cố mãi mà tôi cũng chẳng dịch được chữ gì, đem ra chỗ người nhà thầy đang bốc thuốc hỏi xem thầy ghi những gì thì nhận được câu trả lời gọn lỏn “Không cần biết, cứ cầm thuốc về uống là được”.
Trời đã chạng vạng tối mà vẫn còn khoảng hai chục người đang đợi lấy thuốc, ai cũng mang trong mình “bệnh trọng” theo lời phán của thầy và tất cả chỉ trông chờ vào mấy gói thuốc của “thần y”. Theo ước tính của người bốc thuốc tôi là người thứ 90, có nghĩa là trong ngày hôm nay thầy đã khám cho hơn 100 trăm người, mỗi người trung bình mất trên dưới 100 nghìn tiền thuốc, chưa kể tiền đi lại, ăn uống. Thảo nào, các khu dịch vụ xung quanh nhà thầy Hải nhiều và tấp nập đến thế!
Rời nhà thầy, tôi ngồi đợi xe ở một quán nước nhỏ đầu thôn. Bà chủ quán nhìn tôi ôm bọc thuốc tủm tỉm cười rồi nói: “Người ở nơi khác về khám thầy Nam Hải đông lắm, còn dân làng cứ ốm đau lại tìm đến trạm y tế!”
Kỳ sau: Sự thật về “Thần y”
Phạm Thanh