Tôi đi khám “thần y” (Kỳ cuối)

(Dân trí) - Với mục đích làm rõ sự thật về “thần y” Nam Hải, chúng tôi đã có buổi làm việc với Ông Trần Mạnh Hùng - Trưởng phòng Thanh tra Y tế, Sở Y tế tỉnh Hà Tây. Ông Hùng khẳng định: Việc chẩn đoán bệnh bằng cách xem tay của thầy lang Hải là hoàn toàn không khoa học. Sở Y tế đã có nhiều căn cứ để chứng minh “Thần y” Nam Hải thực tế là đang có những hành vi lừa đảo đối với người bệnh.

Kỳ II: Sự thật về Thần y

 

Hồ sơ về “Thần y”  

 

Ông thầy Hải tên thật là Tạ Văn Hải sinh năm 1940, trước đây đã từng là y sĩ công tác tại binh đoàn 479. Sau khi nghỉ hưu, ông ta quay về nhà làm ruộng và buôn bán lặt vặt. Gia đình ông Hải không có nghề thuốc gia truyền và bản thân ông ta cũng chưa từng qua một lớp đào tạo nào về y dược học cổ truyền.

 

Năm 1988, ông ta bỗng dưng tuyên bố  hành nghề bốc “thuốc gia truyền” và có thể chữa được những bệnh mà y học hiện đại bó tay như máu trắng, ung thư...

 

Từ khi ông Hải hành nghề, không chỉ có nhà ông Hải luôn tấp nập người ra vào mà xung quanh đó cũng trở thành một tụ điểm phức tạp với đủ loại dịch vụ ăn uống, trông xe, ngủ trọ không khai báo tạm trú. Nhận được phản ánh của quần chúng, Sở Y tế Hà Tây và huyện Quốc Oai đã tổ chức nhiều đoàn thanh kiểm tra. Kết quả cho thấy ông Hải khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền mà không hề có giấy phép hành nghề. Mỗi lần như vậy đoàn thanh tra đều lập biên bản và xử lý phạt ông Hải nhưng ông Hải không những không ký mà còn có hành vi lăng mạ đoàn kiểm tra.

 

Ngày 12/3/1997, UBND huyện Quốc Oai đã ra quyết định số 54/UBND- QĐ: Đình chỉ việc hành nghề khám chữa bệnh trái luật của ông Hải, yêu cầu ông Hải liên hệ với Sở  Y tế tỉnh Hà Tây để làm thủ tục xin phép hành nghề theo quy định của pháp luật. Xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, phạt ông Hải 10 triệu đồng.

 

Thế nhưng ông Hải không chấp nhận quyết định của chính quyền địa phương, buộc UBND huyện Quốc Oai phải ra văn bản số 157/UBND- QĐ đình chỉ việc hành nghề kê đơn bốc thuốc đồng thời cưỡng chế ông Hải thực hiện quyết định số 54 ngày 12/3/1997. Ngày 9/6/1997, đội cưỡng chế của huyện Quốc Oai đã thành lập và gia đình ông Hải đã phải chấp hành các quyết định của UBND huyện Quốc Oai.

 

Ông Trần Quang Trung- Chánh thanh tra bộ Y tế cho biết:

 

Việc hành nghề không có giấy phép của ông Tạ Văn Hải đã vi phạm Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân và Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân. Bộ Y tế đã có văn bản gủi Sở Y tế Hà Tây và chính quyền xã Sài Sơn yêu cầu phải làm đầy đủ chức trách và quyền hạn của mình trong việc ngăn chặn hành vi hành nghề của ông Nam Hải.

 

Về phía Bộ Y tế, cho đến nay Bộ không cấp phép hành nghề cũng như công nhận bất cứ bài thuốc nào của ông Nam Hải. Do đó đề nghị người dân không tin vào những tin đồn nhảm nhí, tránh rơi vào hoàn cảnh “tiền mất, tật mang”

Để giải quyết triệt để vụ việc về thầy lang Tạ Văn Hải, từ thời điểm tháng 6/1997 cho đến đầu năm 1998, Đoàn thanh tra liên ngành  của Bộ Y tế đã tiến hành giám định các mẫu thuốc chữa bệnh và kết luận các vị thuốc này chỉ là thuốc bổ thông thường và không có khả năng chữa bệnh hiểm nghèo.

 

Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, thầy Lang Nam Hải lại tiếp tục quay trở lại hành nghề vẫn với chiều bài “ thần y chữa bách bệnh”.

 

Quá nhẹ dạ cả tin!

 

Cho đến thời điểm này, tuy vẫn hoạt động lén lút nhưng trung bình mỗi ngày ông lang Hải khám và bốc thuốc cho không dưới trăm người từ nhiều nơi tìm đến.

 

Để làm phép thử, phóng viên đi xa ra hẳn khu vực nhà thầy Nam Hải rồi hỏi ý kiến của những người dân ở đây thì nhận được rất nhiều lời khuyên không nên tin vào sự đồn thổi về thầy lang Hải. Chẳng cần đi đâu xa, ngay trong thôn cũng có không dưới chục người mắc bệnh hiểm nghèo, vậy mà “thần y” chưa hề chữa được cho ai khỏi bệnh. Điển hình nhất là trường hợp gia đình anh Lê Văn Huy có người nhà mắc bệnh nhiễm trùng máu, sau 6 tháng uống thuốc của thầy bệnh không những không thuyên giảm mà còn nặng thêm. Khi người nhà đưa đến Bệnh viện Bạch Mai thì nạn nhân đã tử vong.

 

Có thể nói, việc kê đơn bốc thuốc của thầy lang Hải phất lên đã tạo cơ hội làm ăn cho những hộ gia đình xung quanh, giúp họ có một khoản thu nhập đáng kể từ các dịch vụ như trông xe, ăn uống, nhà trọ. Tiếng đồn thổi về “thần y” được phát tán rộng rãi cũng chính từ những người trông xe, bán cơm hay chủ nhà trọ... Chỉ cần ngồi ăn uống hay ngồi chờ ở khu vực gần nhà ông Hải, người ta sẽ được nghe vô số những chuyện “thần kỳ” về tài chữa bệnh của thầy. Và thế là một đồn mười, mười đồn trăm, những người nhẹ dạ cả tin lại nhắm mắt tiếp tục đánh đu với số phận của mình.

 

Phạm Thanh

Dòng sự kiện: Thần y