"Tôi đã kiệt sức và ngủ gục ngay trên xe cấp cứu"
(Dân trí) - Quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) được xem là điểm nóng Covid-19 trong những ngày qua. Để nhanh chóng dập dịch, các nhân viên y tế ở đây phải thực hiện công việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm xuyên ngày đêm.
Kiệt sức vì đi thâu đêm suốt sáng
Dù đã quen với cường độ làm việc trong đợt dịch năm ngoái nhưng những ngày qua, chị Phan Thị Loan (sinh 1997, kỹ thuật viên xét nghiệm, Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) không khỏi kiệt sức khi phải làm việc liên tục.
Hàng ngày, Loan cùng các đồng nghiệp phải ở bệnh viện thường xuyên để khi có ca dương tính là lên đường ngay. Cường độ làm việc khẩn trương và cao điểm nhất đối với Loan là từ chiều ngày 11/5 đến hết ngày 12/5 khi tại Công ty CP Trường Minh (đóng tại Khu công nghiệp An Đồn) ghi nhận 33 ca mắc Covid-19. Loan cùng các đồng nghiệp phải làm việc xuyên ngày đêm để kịp thời lấy mẫu chuyển đến phòng xét nghiệm.
"Trước đó, chúng tôi đã đi lấy mẫu liên tục tại các khu vực cách ly liên quan các ca bệnh khác đến 4-5h sáng. Vì thế, đến đêm 11/5, khi lấy mẫu cho người dân sống quanh khu công nghiệp An Đồn, tôi đã kiệt sức và ngủ gục ngay trên xe cấp cứu", Loan chia sẻ.
Theo Loan, công việc của nhân viên y tế đi lấy mẫu thường bắt đầu từ 5h sáng cho đến khi không còn người được lấy mẫu. Tất cả đều không có thời gian cố định.
"Với những đêm lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm như tại Khu công nghiệp An Đồn hay Âu thuyền Cảng cá Thọ Quang, chúng tôi xác định không ngủ, cố gắng hết sức vì cộng đồng, để làm sao đẩy lùi được dịch bệnh", Loan nói.
Với Loan, những lúc ngồi đợi kết quả xét nghiệm là lúc Loan sợ nhất, sợ có ca dương tính. Bởi khi có ca dương tính, Loan cùng các đồng nghiệp lại phải lên đường truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm. Nhiều hôm đi thâu đêm suốt sáng ngoài đường, không kịp ăn, không có thời gian chợp mắt.
Vì vậy, hạnh phúc nhất đối với Loan đó là khi nhận kết quả xét nghiệm người dân từng khu vực, các điểm "nóng" với gần chục nghìn người có kết quả âm tính.
Vào nghề được 2 năm nay, đúng 2 năm lăn lội với dịch. Giờ Loan không sợ khổ, không sợ mệt nhưng mong dịch nhanh chóng được khống chế, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân.
"Dịch bệnh có ai mong muốn đâu, nhưng nếu ai đó bị nhiễm bệnh, mong rằng hãy hợp tác với ngành y tế, khai báo lịch trình đầy đủ để lực lượng chức năng sớm khoanh vùng, dập dịch sớm", Loan nhắn nhủ.
Cả ngày chỉ nghỉ được 1 tiếng
Những ngày đầu mùa đợt dịch, Tổ truy vết và điều tra dịch tễ (Trung tâm Y tế quận Sơn Trà) chỉ có 2 người đảm nhận do các đồng nghiệp khác đang bị "mắc kẹt" trong các khu cách ly tập trung sau thời gian điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19 nhập cảnh.
4 -5 ngày nay, sau khi hoàn thành cách ly, lực lượng này mới được bổ sung để thực hiện nhiệm vụ truy vết các trường hợp F1, F2.
Bác sĩ Lê Hồng Thuận (Phó trưởng Khoa kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà) - Tổ trưởng tổ truy vết và điều tra dịch tễ - cho biết, hiện tổ có 7 người nhưng phải đảm nhận khối lượng công việc rất lớn.
"Những ngày qua, chúng tôi phải làm việc thường xuyên. Một ngày có 24 tiếng nhưng phải làm việc hết 23 tiếng, tiếng còn lại là ngủ và ăn. Như lúc tối, sau khi xử lý xong ca ở đường Phó Đức Chính là 3h sáng, mọi người mới kịp uống nước và tổng kết công việc thì 5h sáng có ca mới. Chúng tôi lại lập tức lên đường", bác sĩ Thuận chia sẻ và cho biết, anh cùng các đồng nghiệp thường chế mì tôm, ăn bánh mì hoặc hút miếng sữa cầm hơi chứ nhiều lúc không có thời gian ăn cơm.
Theo bác sĩ Thuận, trong đợt dịch này, vất vả nhất là đợt truy vết liên quan đến "ổ dịch" tại Công ty CP Trường Minh (Khu công nghiệp An Đồn) khi ở đây trong 1 ngày ghi nhận 33 ca mắc Covid-19.
Tổ phải chia thành nhiều mũi, khẩn trương truy vết ngay trong đêm. Ngày hôm sau chưa được nghỉ ngơi, mọi người lại phải lên đường khi nhận được thông tin có thêm 8 ca dương tính mới.
Dù rất mệt, thậm chí là kiệt sức nhưng bác sĩ Thuận cùng các đồng nghiệp luôn động viên nhau cố gắng, đẩy nhanh tốc độ truy vết bởi nếu chậm trễ, không biết mùa dịch đến khi nào mới kết thúc.
"Việc chậm trễ truy vết F1 có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng bất cứ lúc nào. Vì vậy, Tổ truy vết luôn quán triệt không được để lỡ một phút nào khi có thông tin về ca bệnh F0 trên địa bàn. Dù mệt nhưng anh em ai cũng cố gắng, giữ an toàn cho bản thân", bác sĩ Thuận nói.
Hai tháng rồi bác sĩ Thuận chưa được về nhà. Trước đó, anh phải phục vụ công tác cách ly cho công dân nhập cảnh, vừa xong lại đúng đợt dịch này. Cũng như những y bác sĩ khác ở tuyến đầu chống dịch, anh chỉ mong dịch sớm được khống chế để đoàn tụ với gia đình khi con nhỏ đang đợi anh về.