"Thuốc" tốt nhất trị nám, sạm da là… tránh nắng
Các phương pháp điều trị tăng sắc tố da vùng mặt hiện đại nhất vẫn còn cho kết quả hạn chế và khó trị dứt điểm. Vì vậy, tránh nắng vẫn được xem là phương pháp tốt và quan trọng hàng đầu trong phòng ngừa và điều trị tình trạng này.
"Tăng sắc tố da vùng mặt là tình trạng rối loạn sắc tố da rất thường gặp tại các phòng khám chuyên khoa da liễu" – đó là điều TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM nhận định tại Hội nghị Khoa học Da liễu Khu vực phía Nam năm 2017 vừa diễn ra ngày 24-9.
Theo ông, gương mặt được xem như "tài sản" quý giá của mỗi người, vì vậy bất kỳ một biến đổi nào trên khuôn mặt đều trở thành mối quan tâm hàng đầu. Trong khi đó, tăng sắc tố da xảy ra ở vùng mặt mà phổ biến nhất là nám má và các tình trạng sạm da do nhiều nguyên nhân khác nhau, lại rất khó khăn để chẩn đoán. Các phương pháp điều trị hiện nay cho các trường hợp tăng sắc tố da có hiệu quả còn hạn chế và không dứt điểm. Vì vậy, tốt nhất là đừng để các vấn đề này có cơ hội khởi phát.
Tăng sắc tố da ở vùng mặt tại Việt Nam có những dạng phổ biến sau: nám má, tăng sắc tố do viêm, tăng sắc tố ở người trường thành (có làn da sậm màu, thường gặp ở tuổi trung niên), sạm da quanh mắt, rối loạn sắc tố da do thuốc bôi, chứng gai đen, bệnh da sẩn đen…
Nguyên nhân khởi phát của hiện tượng tăng sắc tố có thể bao gồm các yếu tố nội sinh lẫn tác động từ bên ngoài. Trong đó, việc ngăn ngừa các tác động từ bên ngoài - vốn là nhóm nguyên nhân chủ yếu - không hề khó!
Nguyên nhân hàng đầu chính là ánh nắng. Tiếp xúc lâu với ánh nắng gắt, không có biện pháp tránh, chống nắng phù hợp, bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng bởi các tia có hại từ mặt trời. Điều này khởi phát quá trình tạo ra các gốc tự do, từ đó gây tăng sắc tố. Nếu bạn tiếp xúc ánh nắng giữa một môi trường ô nhiễm, nguy cơ này càng tăng cao. Nám má là dạng thường gặp nhất trong các trường hợp tăng sắc tố do ô nhiễm.
Ngoài ra, việc chăm sóc da thái quá, chăm sóc không đúng cách cũng dễ dẫn đến tăng sắc tố. Nhiều người luôn sợ da mình không sạch, cố gắng rửa mặt thật nhiều lần, dùng nhiều mỹ phẩm làm sạch, chà xát mạnh khi rửa. Đó là một tình huống rất phổ biến, trong đó người bệnh vốn muốn làm đẹp da, nhưng lại vô tình làm da bị tổn thương.
"Tác dụng ngược" trong việc làm đẹp da cũng có thể xảy đến nếu bạn dùng mỹ phẩm quá tay, chọn mỹ phẩm không phù hợp. Nhiều bệnh nhân đã phải điều trị tăng sắc tố da sau một thời gian bôi những mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần vì mong được đẹp nhanh chóng.
" Tránh nắng là phương pháp chính cho cả phòng ngừa và điều trị những tình trạng nói trên, đồng thời phải phối hợp nhiều kỹ thuật cả xâm lấn và không xâm lấn, tùy theo từng nguyên nhân", TS-BS Nguyễn Trọng Hào nhấn mạnh.
Theo ông, do những hạn chế về kết quả và khả năng dứt điểm của các phương pháp điều trị hiện nay, tốt nhất, bạn hãy bảo vệ làn da của mình từ đầu. Người có da sậm màu, thường xuyên tiếp xúc ánh nắng sẽ có nguy cơ cao nhất. Hãy sử dụng các biện pháp chống, tránh nắng cần thiết nếu bạn hay phải ra đường trong những giờ nắng gắt và cẩn trọng hơn trong việc sử dụng mỹ phẩm.
Theo Anh Thư
Người lao động