Thực phẩm nào tốt, không tốt với bệnh nhân ung thư máu?

Khoa Dinh Dưỡng và Tiết chế

(Dân trí) - Người bệnh ung thư máu không nên ăn đồ chế biến sẵn, đồ tái sống, các món ăn từ nội tạng; nên ăn cân đối mỡ độn vật và dầu thực vật, bổ sung sữa theo chỉ định của thầy thuốc.

Nguyên tắc chế độ ăn cho người bệnh ung thư máu:

- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là điều quan trọng nhất. Người bệnh ung thư máu cần tuyệt đối tuân thủ các chế độ an toàn vệ sinh thực phẩm (chú ý hạn sử dụng, nguồn gốc và được kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm).

- Ăn chín, uống sôi, ăn cân đối, đủ chất, cân đối mỡ động vật và dầu thực vật.

- Không nên ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn (đồ hộp), đồ để đông lạnh, các thức ăn ôi, thiu, sống, tái, gỏi, nộm, các chất kích thích như: bia, rượu, cà phê, thuốc lá, chè đặc, đồ uống có ga (nước ngọt, coca cola…).

- Không nên ăn các món ăn chế biến từ nội tạng động vật như: gan, tim, lòng, óc, bầu dục…

- Bổ sung dinh dưỡng đường uống (sữa, các loại bột đạm..) theo chỉ định của thầy thuốc.

- Không nên dùng các thực phẩm chức năng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Chú ý: Trong trường hợp có giảm nhiều bạch cầu, tiểu cầu cần phải lưu ý, tuyệt đối đảm bảo vệ sinh trong ăn uống cũng như trong vệ sinh cá nhân hằng ngày.

Thực phẩm nào tốt, không tốt với bệnh nhân ung thư máu? - 1

Đối với nhóm người bệnh không điều trị hóa chất (chỉ điều trị triệu chứng): 

Áp dụng theo nguyên tắc chung của nhóm người bệnh máu ác tính.

Chú ý: Trong trường hợp có giảm nhiều bạch cầu, tiểu cầu cần phải lưu ý, tuyệt đối đảm bảo vệ sinh trong ăn uống cũng như trong vệ sinh cá nhân hằng ngày.

Đối với nhóm người bệnh có chỉ định truyền hóa chất:

- Giai đoạn trước truyền hóa chất:

Chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ này cần tăng cường các chất dinh dưỡng cho người bệnh, đảm bảo người bệnh có đủ năng lượng và protein dự trữ tạo thuận lợi cho quá trình điều trị hóa chất…

Nguyên tắc:

Tăng protein đây là điểm quan trọng nhất. Protein nên ở mức từ 1,2 – 1,5g/kg cân nặng/ ngày (hoặc năng lượng do protein cung cấp khoảng từ 15 – 20% tổng năng lượng). Nguồn protein đv > 50% protein tổng số.

Tăng glucid (Năng lượng do Glucid  khoảng từ 65 – 70%) để ngoài cung cấp năng lượng, glucid còn làm cho gan tích tụ được nhiều glycogen và có tác dụng bảo vệ gan khỏi bị tổn thương do sử dụng các loại thuốc hóa trị, kháng sinh…. liều cao.

Lipid: 15-20%, nên sử dụng chất béo nguồn gốc thực vật: dầu đậu nành, dầu oliu…

- Giai đoạn đang truyền hóa chất: 

Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị và kế hoạch chăm sóc dinh dưỡng của nhân viên khoa dinh dưỡng; nên đăng ký chế độ ăn bệnh lý tại khoa Dinh dưỡng để đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng và an toàn vệ sinh phòng tránh nhiễm khuẩn.

Chế độ ăn cần lưu ý: ăn mềm lỏng dễ tiêu hóa, chia nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Trong trường hợp bệnh nhân không có các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón…)  hoặc ảnh hưởng nhẹ bởi tác dụng phụ của hóa chất thì nên ăn cơm mềm, thức ăn nên chế biến mềm nhừ.

Ngoài ra cần đảm bảo tuân thủ tuyệt đối về vệ sinh cá nhân hàng ngày. Nên sử dụng nước đun sôi để ấm (khoảng 50 độ C) để vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, dùng bàn chải mềm đánh răng, súc miệng bằng nước muối ấm hoặc nước súc miệng chuyên dùng sau mỗi bữa ăn.

Chế độ ăn đối với người bệnh có biến chứng suy thận:

Tùy từng giai đoạn suy thận (độ I, độ II, độ III, độ IV) để xây dựng chế độ ăn phù hợp.

Giàu năng lượng: 35-40 kcal/kg cân nặng/ngày.

Đủ vitamin, yếu tố đa lượng, yếu tố vi lượng theo mức nhu cầu khuyến nghị.

Đảm bảo cân bằng nước, muối, ít toan, giàu calci, ít phosphat.

Các thực phẩm nên dùng:

Các thực phẩm có giá trị sinh học cao: thịt, cá, trứng, sữa…

Các loại rau, quả giàu kali, hàm lượng protein thấp: Bầu, bí, mướp…

Các loại quả chín: Cam, quýt, ổi, dứa, …

Người bệnh nên tuân thủ chỉ định của nhóm điều trị (bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc, và tư vấn viên khoa dinh dưỡng) để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Chế độ ăn trong giai đoạn bạch cầu giảm:

Khi bạch cầu giảm sâu, người bệnh có nguy cơ bị nhiễm trùng càng cao. Nhiễm trùng có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trong cơ thể, có thể ảnh hưởng đến đường thở, hệ tiêu hóa, bàng quang, hệ sinh sản, da… của người bệnh. 

Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc chế độ ăn trong giai đoạn này: Loại bỏ các thực phẩm có khả năng chứa vi khuẩn và nấm gây nhiễm trùng trong khẩu phần hàng ngày của người bệnh (chế độ ăn sạch, ít vi khuẩn hoặc vi khuẩn thấp).

Một số thức ăn cần tránh:

- Hoa quả chưa gọt vỏ và rau sống, bao gồm cả salad, sinh tố rau, hoa quả chưa được tiệt trùng, hoa quả sấy khô ở dạng thô và các loại hạt tươi, hạt không có vỏ.

- Trái cây hoặc rau quả bị dập hoặc quá chín.

Lựa chọn thay thế:

- Trái cây có vỏ dày (cần rửa sạch rồi bóc vỏ), rau quả nấu chín.

- Nước ép trái cây, sinh tố được tiệt trùng.

- Các loại hạt phải được nấu chín hoặc rang.

Sản phẩm bơ sữa:

Tránh các loại bơ sữa chưa được tiệt trùng.

Lựa chọn thay thế bằng các sản phẩm đã được tiệt trùng đảm bảo.

Nước:

Tránh các loại nước chưa qua máy lọc như nước suối, nước giếng, nước mưa, nước đá…

Dùng nước đã qua máy lọc và phải đun sôi kỹ, nước đóng chai đã được tiệt trùng theo tiêu chuẩn.

Một số thực phẩm khác:

Tránh các loại gia vị cay nóng: ớt, hạt tiêu, các chất kích thích (rượu, bia, cà phê, nước chè đặc…); mật ong chưa được tiệt trùng hoặc mật ong tươi, tổ ong.

Lựa chọn thay thế: các loại thảo mộc nấu chín, mật ong tiệt trùng hoặc xử lý nhiệt.

Dòng sự kiện: Ung thư máu