Ung thư máu và những phương pháp điều trị

(Dân trí) - Ung thư máu là một nhóm bệnh ác tính hệ tạo máu với đặc trưng chủ yếu là sự tăng sinh và tích lũy các tế bào non – ác tính hệ tạo máu (tế bào blast) trong tủy xương và máu ngoại vi.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh ung thư máu

Ung thư máu và những phương pháp điều trị - 1
Hình minh họa

Biểu hiện lâm sàng của bệnh là hậu quả của sự phá vỡ chức năng tủy xương lấn át các dòng tế bào tủy bình thường, gây ra các rối loạn miễn dịch, xâm nhập vào và làm tổn thương các hệ thống cơ quan.

Theo bác sĩ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương (Hà Nội), người bệnh ung thư máu có thể có những triệu chứng sau

Triệu chứng toàn thể: Sốt, mệt mỏi, da xanh, đau nhức xương khớp, chán ăn, ăn không ngon, lười vận động.

Triệu chứng xâm nhiễm tại tủy xương có các biểu hiện:

- Thiếu máu, mệt mỏi chán ăn và thay đổi vị giác

- Giảm tiểu cầu gây xuất huyết dưới da, niêm mạc, chảy máu răng lợi gây viêm loét miệng

- Sốt, nhiễm khuẩn, viêm loét niêm mạc, họng, miệng do giảm bạch cầu dẫn đến khó ăn, làm giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể.

Triệu chứng do xâm nhiễm ngoài tủy xương 

Đây là hậu quả tăng sinh của bệnh ở nhiều bộ phận: 

- Thâm nhiễm thần kinh trung ương gây đau đầu, buồn nôn và nôn

-  Tổn thương đường tiêu hóa dẫn đến việc kém tiêu hóa hoặc kém hấp thu

- Tổn thương gan làm tổng hợp của gan giảm và thay đổi chuyển hóa protein, carbohydrat, lipit

- Tổn thương thận làm mất protein

- Tăng các tiêu hao chuyển hóa thứ phát do các tế bào bạch cầu phát triển nhanh và di căn.

Điều trị ung thư máu như thế nào?
Phương pháp được áp dụng để điều trị ung thư máu phụ thuộc vào loại ung thư máu mà bệnh nhân mắc phải. Cùng với đó còn có yếu tố tuổi của bệnh nhân, tốc độ diễn tiến của ung thư và các yếu tố liên quan đến căn nguyên bệnh. Có thể kể ra một vài phương pháp điều trị ung thư máu phổ biến như:
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp phổ biến hàng đầu để điều trị bệnh nhân mắc ung thư máu. Mục tiêu của phương pháp này là tiêu diệt các tế bào ung thư, bằng cách sử dụng thuốc chuyên nhắm vào các tế bào có tốc độ nhân đôi nhanh hiện diện trong cơ thể. Với bệnh ung thư máu, một liệu trình hóa trị thường có sự kết hợp của nhiều loại thuốc chống ung thư khác nhau.
Mặt trái của hóa trị là thuốc điều trị cũng sẽ tấn công cả những tế bào nhân nhanh khỏe mạnh, điển hình như tế bào tủy xương, tế bào nang lông, từ đó gây tác dụng phụ không mong muốn.
 Xạ trị
Xạ trị ung thư máu là dùng tia phóng xạ liều cao để tiêu diệt các tế bào ung thư bên trong cơ thể. Các vị trí mà tia phóng xạ thường được tập trung vào là não bộ, lá lách hay bất kì bộ phận nào tập trung nhiều hồng cầu. Trung bình, mỗi liệu trình xạ trị sẽ được thực hiện liên tiếp 5 ngày/tuần và kéo dài nhiều tuần liền.
Cấy ghép tế bào gốc
Sau khi điều trị bằng hóa, xạ trị, các tế bào tạo máu của bệnh nhân thường bị tổn thương nghiêm trọng do tác dụng phụ. Do đó, các bác sĩ sẽ phải cấy ghép tế bào gốc tạo máu vào cơ thể bệnh nhân, để bù đắp lại số đã bị phá hủy trước đó. Các tế bào gốc sẽ được truyền vào mạch máu thông qua tĩnh mạch. Qua thời gian, tế bào gốc cấy ghép sẽ dần ổn định trong tủy xương của bệnh nhân và bắt đầu thực hiện chức năng sản sinh các tế bào máu khỏe mạnh.
Theo các chuyên gia, bệnh ung thư máu nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh có thể lên tới 80%. Tại Việt Nam, rất nhiều bệnh nhân ung thư máu đã được điều trị ổn định, quay trở về cuộc sống, học tập và làm việc bình thường.
Vì thế, các gia đình cần giữ tâm lý lạc quan, tin tưởng điều trị, không mù quáng nghe theo các phương pháp chưa được kiểm chứng, mà bỏ lỡ thời gian điều trị cho bệnh nhân, khiến bệnh nhân mất cơ hội điều trị.
PV
Tổng hợp
Dòng sự kiện: Ung thư máu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm