1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thực phẩm giải nhiệt mùa hè và nguy cơ ngộ độc

Nước mát giải khát, món ăn lạnh... là những thực phẩm giải nhiệt được nhiều người ưa chuộng khi hè đến song đây lại là những đồ ăn, thức uống tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc nhiều nếu người tiêu dùng không có kỹ năng nhận biết.

Mát miệng hại thân

Dạo một vòng quanh những điểm vui chơi công cộng và trước cổng trường học trong những ngày nắng nóng này, không mấy khó khăn để có thể mua được những ly đá bào có hương vị của các loại trái cây hay những cây kem đủ màu sắc mà nhiều người tin rằng có thể giúp giải khát, giải nhiệt từ các điểm bán hàng rong vốn được nhiều người xem là “ngon-bổ-rẻ”. Đặc điểm chung của những loại thực phẩm giải nhiệt này là được giữ lạnh hay ướp đá khiến nhiều thực khách bị đánh lừa vị giác mà không biết mình đang nạp những loại hóa chất nguy hại vào người.

Dụng cụ đựng kem thô sơ và kém vệ sinh (ảnh chụp từ clip)


Dụng cụ đựng kem thô sơ và kém vệ sinh (ảnh chụp từ clip)

Mua thử một cây kem ống từ một xe bán hàng rong tại công viên 23/9 (quận 1, Tp. HCM) với giá 3.000 đồng, kem được đựng trong chiếc thùng nhựa giữ nhiệt lớn cũ kỹ, cáu bẩn. Thắc mắc vì sao kem không có nhãn hiệu, chúng tôi được người bán giải thích do kem làm theo công thức gia truyền nên tiết kiệm không làm bao bì...

Tuy nhiên, với những cây kem này chỉ cần đợi một lát, khi tan chảy không ít người giật mình vì thành phần của kem thực tế chỉ là nước và lớp bột màu. Hương vị ít phút trước đó còn thơm mát nhưng cũng nhanh chóng biến mất. Để biết vì sao nhiều loại kem không nhãn mác, không thương hiệu được bán ở khắp các tuyến đường của thành phố lại có mức giá siêu rẻ, chỉ vài ngàn đồng/cây, một đầu mối từng làm kem tại khu vực quận 6 cho hay: loại kem giá rẻ nào cũng chỉ có chung một công thức chế biến, khác biệt nằm trong “bí quyết” dùng nguyên liệu nào để cho ra từng loại khác nhau. Có thể dễ dàng kiếm hàng chục hương vị kem khác nhau ở các cửa hàng tại khu chợ hóa chất.

Theo chỉ dẫn của người làm kem, chúng tôi đến chợ Kim Biên và sự thực không khó để hỏi mua những loại dung dịch nhiều màu sắc đựng trong những chiếc can trắng, bên ngoài được viết tay đủ loại hương liệu như: hương dâu, cam, dâu, dừa, đậu xanh, socola... cùng hướng dẫn làm kem không thể sơ sài hơn: trộn với bột vả nước theo tỉ lệ cho sẵn.

Quy trình làm kem bẩn bằng tay không, chân đất (ảnh chụp từ clip)


Quy trình làm kem bẩn bằng tay không, chân đất (ảnh chụp từ clip)

“Ngừa hơn chữa”

Từng trả lời trên báo chí, Tiến sỹ Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm - Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Sử dụng kem “bẩn” có nguy cơ lây nhiễm rất cao với nhiều loại bệnh.

Đặc biệt là trẻ em sức đề kháng còn yếu thì nguy cơ nhiễm bệnh càng lớn. Chỉ nói về nguồn nước mà các xưởng kem tự phát sử dụng đa phần đều không đảm bảo, có thể tồn tại trong đó nhiều kim loại nặng hay thậm chí cả chất độc như Asen (thạch tín) hay Dioxin.

Đó là chưa kể tới các nguy cơ tiềm ẩn khác như sản phẩm có sử dụng các chất hóa học không được phép hoặc được phép nhưng lại quá liều lượng như các chất tạo xốp, chất tạo ngọt, phẩm màu...

Nếu que kem bị ô nhiễm bởi những vi khuẩn như tả, lỵ, thương hàn… thì khi sử dụng chắc chắn người ăn sẽ nhiễm bệnh. Lúc này que kem trở thành là nguồn truyền nhiễm cho chính người sử dụng”.

Bên cạnh đó, dụng cụ chế biến tại những cơ sở tự phát hết sức thô sơ, mất vệ sinh, sử dụng nguồn nước bẩn, chưa được xử lý... núp bóng dưới những chiêu thức như sản phẩm nhà làm, cơ sở tư nhân sản xuất theo công nghệ truyền thống. Nếu người tiêu dùng không có kinh nghiệm, không đủ khả năng nhận biết: nhẹ thì ngộ độc cấp tính, nặng có thể biến chứng thành những căn bệnh nguy hại do sử dụng lâu dài.

Do đó, Theo Cục An toàn thực phẩm thì nên lựa chọn những loại thực phẩm có nhãn mác và thương hiệu uy tín, hạn chế sử dụng các sản phẩm do cơ sở sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

PV