1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thực hư thông tin "Omicron không tấn công vào phổi"

Minh Nhật

(Dân trí) - Thời gian gần đây, thông tin "biến thể Omicron chỉ vào đến cổ họng và không lan xuống phổi" được lan truyền trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia, cũng như các nghiên cứu đã được công bố, thông tin này là không chính xác.

Trao đổi với Dân trí, ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các thống kê đến thời điểm hiện tại cho thấy, người mắc biến thể Omicron thường diễn biến nhẹ hơn so với bệnh nhân mắc các biến thể cũ như Delta. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc, Omicron chỉ có thể xâm nhập đến vùng họng mà không tấn công vào phổi.

"Biến thể Omicron thường gây triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng, thậm chí nguy kịch và tử vong. Với các trường hợp diễn biến nặng, virus vẫn có thể tấn công vào phổi và gây ra các tổn thương phổi cho bệnh nhân", BS Phúc cho hay.

Thực hư thông tin Omicron không tấn công vào phổi - 1

Một bệnh nhân bị tổn thương phổi sau khi đã âm tính SARS-CoV-2 (Ảnh minh họa: M.N.).

Theo báo cáo của TP Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron (biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%). Tại Hà Nội, biến thể Omicron được nhận định đang lưu hành song hành với biến thể Delta và có thể đã lấn át biến thể Delta.

Tại các đơn vị điều trị Covid-19 tầng 3 (bệnh nhân nặng, nguy kịch) ở Hà Nội vẫn luôn trong tình trạng đông bệnh nhân. Các bệnh nhân này đa số đều bị tổn thương phổi, phải can thiệp hô hấp thông qua oxy mask, HFNC hoặc thở máy xâm nhập.

"Omicron vẫn có nguy cơ khiến bệnh diễn biến nặng, đặc biệt là với người cao tuổi, người có bệnh nền, chưa tiêm đủ liều vaccine. Do đó, người dân không được phép chủ quan và tuân thủ tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế", BS Phúc nhấn mạnh.

Nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng, Omicron có khả năng xâm nhập và nhân lên ở phổi nhưng yếu hơn các biến thể cũ.

Một nghiên cứu thuộc Đại học Hong Kong do Tiến sĩ Michael Chan Chi-wai chỉ ra, biến thể Omicron sinh sôi nhanh gấp 70 lần Delta khi xâm nhập vào phế quản của con người sau 24 giờ. Nghiên cứu cũng phát hiện, dù Omicron có thể dễ lây lan hơn, nhưng nó sinh sôi chậm hơn 10 lần trong mô phổi và đó có thể là dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh thấp hơn.

Theo Giám đốc quản lý sự cố của WHO Abdi Mahamud, ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra Omicron ảnh hưởng đến đường hô hấp trên nhiều hơn. Với các chủng khác, phổi sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, gây ra bệnh phổi nghiêm trọng

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản được đăng tải trên nền tảng bioRxiv chỉ ra, BA.2 có thể tự sao chép trong tế bào nhanh hơn BA.1. Nó cũng trội hơn trong việc làm cho các tế bào dính lại với nhau. Điều này cho phép virus tạo ra các khối tế bào lớn hơn, được gọi là hợp bào, so với BA.1. Điều đó đáng lo ngại vì những khối này sau đó sẽ trở thành "nhà máy" để tạo ra nhiều bản sao của virus hơn. Delta có khả năng tạo ra hợp bào khá hiệu quả và các chuyên gia cho rằng đó là một lý do khiến nó tàn phá phổi nghiêm trọng như vậy.

Khi các nhà nghiên cứu cho chuột nhiễm BA.2 và BA.1, những con bị nhiễm BA.2 ốm nặng hơn và có chức năng phổi kém hơn. Trong các mẫu mô, phổi của chuột nhiễm BA.2 bị tổn thương nhiều hơn phổi của chuột bị nhiễm BA.1.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm