Thủ tướng chỉ đạo giảm quá tải bệnh viện tại TPHCM

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương vừa có buổi làm việc với UBND TPHCM về giảm quá tải bệnh viện.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo TPHCM về giảm tải bệnh viện - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo TPHCM về giảm tải bệnh viện - Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của Bộ Y tế, mạng lưới bệnh viện của TPHCM đã từng bước được đầu tư, cải tạo, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 

Tuy nhiên, hiện mạng lưới y tế của TPHCM có 112 bệnh viện các loại với trên 31.900 giường bệnh cùng nhiều phòng khám đa khoa, chuyên khoa khác. Với dân số trên 10 triệu người, số giường bệnh bình quân trong thành phố chỉ đạt tỷ lệ 42 giường bệnh/10.000 dân. Nhu cầu khám, điều trị của nhân dân TP và các tỉnh lân cận rất lớn nên các bệnh viện trong TP luôn trong tình trạng quá tải trong đó tập trung ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối, như Bệnh viện Ung bướu công suất sử dụng giường lên đến 247%; Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình lên đến 140%; Bệnh viện Nhi Đồng 1 lên đến 127%;...

 

Bên cạnh đó, các bệnh viện do Trung ương quản lý như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất,... cũng đang trong tình trạng quá tải.

 

Triển khai Quyết định số 92/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/1/2013 về việc phê duyệt Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, UBND TPHCM đã phê duyệt Đề án thành lập Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 tại Quyết định số 3896/QĐ-UBND ngày 18/7/2013.

 

Việc triển khai thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh là gắn thương hiệu của bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ của tuyến dưới, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên cho bệnh viện tuyến dưới, giúp bệnh viện tuyến dưới nâng cao năng lực chuyên môn, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị, cơ sở vật chất đã được đầu tư để phục vụ nhân dân.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải - Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Bên cạnh đó, việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đầu tư cho bệnh viện tuyến quận-huyện;... cũng là những nội dung quan trọng trong các giải pháp giảm quá tải bệnh viện của TPHCM.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân luôn được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề với yêu cầu, đòi hỏi đặt ra ngày càng cao nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân.

 

Do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, sự phát triển không đồng đều về cơ sở vật chất, năng lực, trình độ,... của các cơ sở y tế đã dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện nhất là các bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện tuyến cuối ở các thành phố lớn. Yêu cầu đặt ra là phải huy động mọi nguồn lực, thực hiện quyết liệt các giải pháp để giảm tình trạng quá tải của bệnh viện cũng như nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh; Chính phủ đã phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020; việc giảm quá tải bệnh viện là một việc làm thiết thực nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị TPHCM cần triển khai quyết liệt hơn nữa công tác giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong thời gian tới, trong đó tập trung thực tốt một số biện pháp trọng tâm như: triển khai hiệu quả việc xây dựng các bệnh viện vệ tinh, trong thực hiện giải pháp này cần hết sức lưu ý đến công tác đào tạo cán bộ, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới, hình thành và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh, thành phố; huy động các nguồn lực nhất là nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư xây mới, nâng cấp các bệnh viện trên địa bàn; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế, liên kết đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao với các nước; phát triển mạnh mô hình bác sĩ gia đình;...

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương cũng xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất của TPHCM về chủ trương hỗ trợ ngân sách xây dựng mới 2 bệnh viện trọng điểm của Thành phố có vai trò quan trọng trong giảm tình trạng quá tải bệnh viện hiện nay là Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM và Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2).

 

Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM có quy  mô 1.000-1.500 giường, tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng tại huyện Bình Chánh; đã khởi công đầu tháng 8/3013, tiến độ thực hiện 2013-2015; hiện đã giải tỏa, đền bù xong, đã duyệt thiết kế chi tiết.

 

Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2) có quy mô 1.000 giường, tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng tại phường Tân Phú, quận 9; tiến độ thực hiện 2013-2015. Hiện đã tập trung di dời, tái định cư cho dân, dự kiến tháng 10/2013 khởi công.

 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho ý kiến về chủ trương đầu tư nâng cấp một số bệnh viện trên địa bàn thành phố do Bộ Y tế quản lý như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất,...

 

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải khẳng định, Đảng bộ, chính quyền TP sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt để đến năm 2015, tròn 40 năm giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, TP sẽ hoàn thành các bệnh viện có qui mô 1 nghìn giường hiện đại, đáp ứng nhu cầu của khám chữa bệnh của nhân dân.
 

Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 9/1/2013) với mục tiêu chính là: Giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện có công suất sử dụng quá cao (hiện đang trên 120% - đây chủ yếu là các  bệnh viện của tuyến TƯ và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TPHCM); nâng công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện có công suất sử dụng thấp để đạt công suất sử dụng 60% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020. Cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015 và phấn đấu đến năm 2020 không còn tình trạng quá tải bệnh viện. Nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh. Tăng số giường bệnh trên phạm vi cả nước, trong đó ưu tiên cho 05 chuyên khoa đang quá trải trầm trọng là ung biếu, ngoại-chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Đến năm 2015 tăng tối thiểu 7.150 giường bệnh thông qua đầu tư xây mới và nâng cấp, mở rộng các bệnh viện thuộc phạm vi Đề án (là các bệnh viện tuyến TƯ, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TPHCM)...

 
Theo Nguyễn Hoàng
Cổng thôn tin chính phủ