Hà Nam:
“Thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi
(Dân trí) - Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang hoành hành tại Trung Quốc, UBND tỉnh Hà Nam đã yêu cầu các ngành chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống theo Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam từng được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, có thời điểm, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục có tổng đàn lợn lên tới khoảng 80.000 - 90.000 con. Vào thời điểm “hoàng kim”, cảnh mua bán lợn ở Ngọc Lũ vô cùng tấp nập, cũng chính nhờ chăn nuôi lợn mà kinh tế của người dân nơi đây mỗi ngày một phát triển.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang hoành hành tại Trung Quốc, UBND tỉnh Hà Nam đã yêu cầu: Sở NN-PTNT, Sở GTVT, Sở Công thương, Công an tỉnh và các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống theo Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam; trong đó chỉ đạo triển khai một số nội dung sau:
Tăng cường công tác chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn vào địa bàn tỉnh; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật.
Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn trên địa bàn, nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi; hoặc nghi là lợn, sản phẩm lợn nhập lậu trái phép cần báo ngay cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Theo đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các địa điểm buôn bán và các địa bàn có nguy cơ cao. Tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập khẩu vào địa bàn tiêu thụ; không mua bán lợn, sản phẩm của lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Sở Công thương, Sở GTVT, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc vận chuyển lợn, các sản phẩm của lợn nghi nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn.
Đức Văn