1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thử ăn loại trứng "thần dược", thanh niên trẻ sốc phản vệ

Hà An

(Dân trí) - Khoảng một giờ sau khi ăn bánh trứng kiến, thanh niên 20 tuổi (Quảng Ninh) được đưa vào viện cấp cứu với biểu hiện nổi mẩn ngứa toàn thân, khó thở, nôn. Bệnh nhân được chẩn đoán bị sốc phản vệ độ II.

Nhiều người dân truyền tai nhau về tác dụng của trứng kiến như làm chậm quá trình lão hóa da, giúp làn da trắng, tăng cường sinh lý ở nam giới… Thậm chí nhiều người còn coi nó có tác dụng kỳ diệu như một loại "thần dược" giúp ngủ ngon, chống trầm cảm… 

Nó được xếp vào hàng các món ăn đặc sản quý hiếm, có thể được sử dụng làm bánh, xôi, muối… 

Thử ăn loại trứng thần dược, thanh niên trẻ sốc phản vệ - 1

Nhiều trường hợp bị sốc phản vệ, dị ứng sau khi ăn trứng kiến (Ảnh minh họa: Alex Wild).

Tuy nhiên, thực tế chưa có bất kỳ công trình khoa học nào nghiên cứu về tính chất dược lý của trứng kiến. Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã ghi nhận rất nhiều trường hợp bị dị ứng, sốc phản vệ sau khi ăn trứng kiến. 

Gần đây nhất là bệnh nhân nam T.T.H., 20 tuổi. Khoảng một giờ sau khi ăn bánh trứng kiến, bệnh nhân xuất hiện nổi mẩn ngứa toàn thân, khó thở, nôn và được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. 

Sau khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ độ II. Ngay lập tức, bệnh nhân được cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ (tiêm adrenalin, truyền dịch…). 

Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên ăn các đồ vật lạ hoặc tiếp xúc với các chất lạ. Nếu thấy mẩn ngứa, khó chịu cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, tránh để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. 

Đặc biệt, những người có tiền sử dị ứng cần rất thận trọng, tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Không chỉ với trứng kiến, các bệnh viện cũng cấp cứu nhiều trường hợp bị sốc phản vệ, ngộ độc sau khi ăn trứng cò, trứng cá sấu hỏa tiễn... 

Đầu tháng 6, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận cấp cứu một sản phụ 23 tuổi đang mang thai 38 tuần 1 ngày với biểu hiện khó thở, lơ mơ, ngứa, nổi mẩn toàn thân, xuất hiện cơn co tử cung nhẹ, có dấu hiệu suy thai.

Các y bác sĩ đã kích hoạt báo động đỏ trong toàn viện, xử trí các biện pháp hồi sức tích cực, bóp bóng qua ống nội khí quản, dùng adrenalin, methylprednisolone, truyền dịch cấp cứu. 

Sản phụ được kết luận bị sốc phản vệ độ 2, suy thai cấp, được chuyển đến phòng mổ cấp cứu. Sau 7 ngày điều trị, 2 mẹ con sản phụ đã hồi phục tốt và được xuất viện. 

Trước đó, gia đình sản phụ bắt được trứng cò trong rừng về để nấu ăn. Khoảng một giờ sau khi ăn 3 trong số 6 người trong nhà (gồm sản phụ, em trai và em gái) cùng xuất hiện triệu chứng giống như ngộ độc, dị ứng, nổi mẩn toàn thân và khó thở.

Thử ăn loại trứng thần dược, thanh niên trẻ sốc phản vệ - 2

Cá sấu hỏa tiễn thường được nuôi làm cảnh (Ảnh: H.K).

Cuối tháng 5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng tiếp nhận cấp cứu 6 nam giới có biểu hiện bất thường sau khi ăn trứng cá hỏa tiễn nấu mẻ. 

Khoảng 3-4 giờ sau ăn, các nạn nhân có triệu chứng nôn, đau bụng dữ dội và đi ngoài nhiều lần. Nhiều trường hợp đi ngoài hơn 10 lần trước khi vào viện. Kèm theo đó là các biểu hiện đau đầu, chóng mặt và người mệt lả.

Cá sấu hỏa tiễn (cá hỏa tiễn) có tên khoa học là Lepisosteus osseus, loài cá nước ngọt có nguồn gốc châu Mỹ. Một số gia đình thường nuôi cá sấu hỏa tiễn để làm cảnh.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), với cá sấu hỏa tiễn, ăn thịt bình thường nhưng trứng và phần thịt quanh trứng chứa chất độc ichthyotoxic.

Đây là một chất gây độc trên hệ tiêu hóa (gây buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy), hệ thần kinh (đau đầu, vã mồ hôi, chóng mặt, ù tai, co giật) và tim mạch (loạn nhịp tim, tụt huyết áp). 

Trên thế giới mới có một số thông báo về bệnh nhân ngộ độc loại này. Trên thực nghiệm các nhà khoa học cho chuột ăn trứng cá sấu hỏa tiễn thì chuột bị chết. Vì vậy, BS Nguyên khuyến cáo người dân tuyệt đối không được ăn trứng cá sấu hỏa tiễn và các bộ phận xung quanh trứng cá.