1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thời tiết lạnh sâu, người trẻ cũng cần đề phòng đột quỵ "ghé thăm"

Hà An

(Dân trí) - Những ngày qua, thời tiết miền Bắc chuyển lạnh đột ngột với nhiệt độ giảm sâu làm gia tăng số trường hợp cấp cứu do đột quỵ. Đáng chú ý, có những bệnh nhân còn rất trẻ chỉ 30-40 tuổi.

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng ghi nhận sự gia tăng số bệnh nhân đến khám chữa bệnh trong những ngày qua. Trong đó, chủ yếu là những đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em và người già.

Khoa Khám bệnh - Cấp cứu ghi nhận sự gia tăng số lượng bệnh nhân cao tuổi, người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, viêm phổi mạn tính, hen phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các ca đột quỵ cấp cứu cũng tăng đột biến với 15 ca chỉ trong 3 ngày thời tiết chuyển lạnh sâu.

Những bệnh nhân có bệnh nền về tim mạch, huyết áp có nguy cơ đột quỵ cao. Đặc biệt đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa, ghi nhận ca mắc ở độ tuổi 30-40 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuyền, Phụ trách đơn nguyên Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cảnh báo, đột quỵ cũng xảy ra ở những người trẻ tuổi. Vì vậy, người dân cần lưu ý các dấu hiệu bất thường của cơ thể như chóng mặt, đau đầu, méo miệng, thất ngôn, tê yếu hoặc liệt tay, chân... để đưa người bệnh đến cơ sở y tế kịp thời.

Tương tự, mấy ngày vừa qua khi thời tiết chuyển lạnh sâu, khoa Cấp cứu, Bệnh viện E (Hà Nội) cũng liên tiếp tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và các bệnh tim mạch. Điều đáng nói, đột quỵ não ngày càng trẻ hóa, khiến nhiều người bệnh chủ quan.

Thời tiết lạnh sâu, người trẻ cũng cần đề phòng đột quỵ ghé thăm - 1

Nam bệnh nhân 34 tuổi đã bị đột quỵ (Ảnh: T.X).

Trường hợp nam thanh niên 34 tuổi ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhập viện cấp cứu tối 18/12 là một ví dụ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng yếu nửa người trái, nói khó… Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết xác định người bệnh bị đột quỵ não.

Trước đó, anh có biểu hiện yếu nửa người, nói khó khi đang chơi bóng bàn tại cơ quan sau giờ làm việc… Mọi người đều nghĩ anh bị trúng gió, nhưng vì thấy yếu nửa người, nói nên anh đã vào viện cấp cứu.

Bệnh nhân được chấn đoán tắc mạch máu não cấp đến trong "thời gian vàng" sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, khoa Cấp cứu, Bệnh viện E, cho biết, thời tiết biến đổi thất thường như những ngày vừa qua khiến người bệnh nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch.

Theo các bác sĩ, một trong những yếu tố khách quan thúc đẩy chính là điều kiện thời tiết lạnh. Về bản chất nó không phải là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, nhưng tình trạng nhiễm lạnh đột ngột, thời tiết thay đổi liên tục lại làm tăng nguy cơ.

Đột quỵ xảy ra trên nền các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ đái tháo đường, huyết áp cao, mỡ máu cao, bệnh lý nhịp tim, những người hút thuốc lá, những người thừa cân béo phì…

Khi gặp thời tiết giá rét khắc nghiệt, những trường hợp này rất dễ gặp bất ổn về sức khỏe hoặc thậm chí chỉ việc quên dùng thuốc cũng làm cho các yếu tố nguy cơ càng khó kiểm soát.

Thời tiết lạnh sâu, người trẻ cũng cần đề phòng đột quỵ ghé thăm - 2

Để phòng tránh đột quỵ não và tim mạch mùa lạnh, người dân cần tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích…

Đồng thời, trong khoảng thời gian vàng từ dưới 3 giờ đến 4,5 giờ đầu sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao.

Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường..., nếu thấy đột ngột nói khó, liệt nửa người, nhìn mờ 1 bên mắt, liệt nửa mặt…. thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện sớm.

Lưu ý, khi bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, cần đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn, không dùng bất cứ thuốc gì hay đồ uống gì. Lý do là có thể lúc đó bệnh nhân bị rối loạn nuốt, nếu cho bệnh nhân ăn, uống có thể bị sặc.

Thời tiết lạnh sâu, người trẻ cũng cần đề phòng đột quỵ ghé thăm - 3