Thịt lợn vừa hiếm vừa đắt, ăn gì để thay thế mà vẫn đảm bảo đủ chất?
(Dân trí) - Vốn là một trong những loại thịt thông dụng nhất trong mâm cơm của người Việt, việc thịt lợn “sốt giá” thực sự đã khiến các bà nội trợ phải đau đầu trong chuyện ăn uống của gia đình.
Vốn là một trong những loại thịt thông dụng nhất trong mâm cơm của người Việt, việc thịt lợn “sốt giá” thực sự đã khiến các bà nội trợ phải đau đầu trong chuyện ăn uống của gia đình.
Thay thế thịt lợn bằng các loại thịt đỏ khác
Theo thạc sĩ Vũ Thị Huế, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, thịt lợn đại diện cho nguồn cung cấp protein, 1 trong 3 thành phần quan trọng nhất của một khẩu phần ăn (protein, lipit, gluxit). Trong trường hợp muốn thay thế thịt lợn bằng các loại thực phẩm khác, chúng ta cần phải đảm bảo sản phẩm thay thế cũng mang đến giá trị dinh dưỡng tương đương với loại thịt này, nhất là về protein. Dựa trên nguyên tắc này, các gia đình có thể cân nhắc những thực phẩm sau như một giải pháp thay thế:
Theo Ths Vũ Thị Huế, vì cùng thuộc nhóm thịt đỏ nên những loại thịt có nguồn gốc từ gia súc như: thịt bò, thịt bê, thịt dê sẽ có tính chất giống với thịt lợn nhất so với các nguồn cung cấp protein khác.
“Thịt đỏ là tên gọi để chỉ màu sắc đặc trưng khi còn tươi của các loại thịt gia súc cũng như đặc điểm không đổi thành màu trắng khi được nấu chín”.
Cũng theo phân tích của chuyên gia này, thịt đỏ chứa nhiều sắt heme là nguồn cung cấp sắt dồi dào (dưới dạng dễ hấp thu nhất) hỗ trợ cho quá trình tạo máu trong cơ thể, mà đa số các loại thực phẩm khác khó có thể bì kịp. Bên cạnh đó, thịt đỏ còn chứa nhiều vitamin B12, vitamin B6, niacin, kẽm… đều là những dưỡng chất thiết yếu cho sự vận hành và phát triển của cơ thể. Do đó, trong trường hợp không có thịt lợn, chế độ dinh dưỡng vẫn cần có các loại thịt đỏ khác để thay thế.
“Việc ăn quá nhiều thịt đỏ cũng có thể gây ra các vấn đề cho sức khỏe, nên tốt nhất mỗi người chỉ nên ăn khoảng 300-500 gam thịt đỏ mỗi tuần” - Ths Vũ Thị Huế khuyến nghị.
Thịt gia cầm như: thịt gà, thịt vịt, thịt ngan, thịt ngỗng… được đánh giá là một trong những nguồn cung cấp protein lành mạnh nhất với sức khỏe. Ths Vũ Thị Huế nhận định: “Thịt gia cầm ít cholesterol hơn hẳn các loại thịt đỏ, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Bên cạnh đó, phần lớn thành phần chất béo của thịt gia cầm lại là các chất béo không bão hòa tốt cho sức khỏe”. Ngoài ra, thịt gà cũng cung cấp đủ các loại dưỡng chất thiết yếu, đặc trưng của thịt động vật, điển hình là các axit amin mà con người không thể tự tổng hợp, cũng không hề có trong thực vật.
Cũng giống như các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật khác, cá có hàm lượng protein dồi dào (16-17%). Đặc biệt, cá rất giàu omega-3, loại axit béo không no thiết yếu giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, trầm cảm, mất trí nhớ, viêm khớp.
Trứng là một trong những loại thực phẩm toàn diện nhất về mặt dinh dưỡng, đặc biệt nó có thể được sử dụng cho cả những người đang ăn chay. Theo Ths Vũ Thị Huế, trong khi lòng đỏ trứng rất giàu protein, lipid, các nguyên tố vi lượng như kẽm, sắt, canxi, vitamin, khoáng chất, thì lòng trắng chủ yếu là protein và canxi. “Protein trong lòng đỏ trứng được đánh giá là hoàn thiện và tốt nhất cho sức khỏe” - Ths Vũ Thị Huế nhấn mạnh.
Nấm là một trong những nguồn cung cấp protein dồi dào, bên cạnh thịt động vật. Trong các loại nấm ăn phổ biến như nấm kim châm, nấm sò, nấm đùi gà, nấm rơm… có trên dưới 50% thành phần là protein. Bên cạnh đó, nấm còn giàu vitamin và khoáng chất, điển hình như: vitamin B2, B12, Magie, Canxi… Ngoài giá trị về mặt dinh dưỡng, nếu biết cách chế biến, nấm còn đem lại hương vị và độ dai giống như thịt. Những lý do này đã khiến nấm trở thành nguồn bổ sung protein lý tưởng để thay thế cho thịt.
Các loại đậu là một trong những nguồn cung cấp protein dồi dào nhất trong số các loại thực vật. Mọi người có thể thay đổi linh hoạt giữa: đậu nành, đậu hà lan, đậu đỏ, tào phớ, đậu phụ, váng đậu… trong thực đơn hàng ngày như một giải pháp thay thế thịt lợn trong thời điểm bão giá.
Ths Huế khuyến cáo, mỗi loại thực phẩm đều có một tính chất riêng biệt về mặt dinh dưỡng, do đó, người nội trợ cần đảm bảo sự đa dạng cũng như thay đổi một cách hợp lý giữa các nguồn thực phẩm cung cấp protein, để đảm bảo sự trọn vẹn về dưỡng chất trong chế độ ăn của cả gia đình.
Minh Nhật