Thêm một ca mắc Zika là trẻ em
(Dân trí) - Ngày 20/10, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TP HCM phát hiện thêm một trường hợp nhiễm Zika là bé gái 4 tuổi trú huyện Bến Lức, Long An. 2 trường hợp khác mắc hội chứng đầu nhỏ tại Đắk Lắk đang được điều tra nguyên nhân.
2 ca đầu nhỏ mới ở Đắk Lắk không phải do Zika
Như vậy, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 9 trường hợp nhiễm Zika, trong đó có 5 trường hợp tại TP HCM.
Đáng chú ý, trước đó, ngày 14/10/2016, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế đã ghi nhận 1 trường hợp trẻ 4 tháng tuổi sinh sống tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ. Hiện mẫu xét nghiệm của bệnh nhi đã được gửi đến đại học Nagasaki Nhật Bản tiến hành các xét nghiệm vi rút học.
Một đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đến địa phương này để kiểm tra trường hợp bé 4 tháng tuổi mắc hội chứng đầu nhỏ nghi nhiễm Zika.
TS Phu cho biết, với trường hợp bé gái 4 tháng tuổi ở huyện Krông Buk được xác định mắc hội chứng đầu nhỏ, hiện vẫn đang tích cực được tìm nguyên nhân xác định xem em bé mắc hội chứng đầu nhỏ do Zika hay không.
Theo đó, đoàn kiểm tra đã tìm hiểu rất nhiều yếu tố dịch tễ cùng với lấy máu, nước tiểu xét nghiệm… để xác định bé bị dị tật đầu nhỏ do nguyên nhân nào. “Chúng tôi đã hỏi gia đình, mẹ bé có tiếp xúc với hóa chất độc hại không? Có bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học hay không, hoặc có mắc các bệnh lý khác trong thời gian mang thai hay không?”, ông Phu nói.
Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng lấy máu xét nghiệm những người xung quanh có triệu chứng sốt, nghi ngờ mắc Zika để làm xét nghiệm.
Về hai trường hợp hội chứng đầu nhỏ khác mới được phát hiện tại Đắk Lắk là chị em ruột, ông Phu cho biết đã nhận được thông tin về hai ca bệnh này. Nhưng cá nhân ông cho rằng hai em bé này không phải mắc hội chứng đầu nhỏ do vi rút Zika, vì hai bệnh nhân đều đã lớn (1 bé 7 tuổi, 1 bé 4 tuổi) và không có những dấu hiệu điển hình của Zika.
Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng cũng đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên điều tra về hai trường hợp này để đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, bởi chứng đầu nhỏ ngoài nguyên nhân do Zika, còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm virus (Rubella…), vi khuẩn (Giang mai…), ký sinh trùng (Toxoplasma…), nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền…
Không nên đổ xô đi xét nghiệm
TS Phu cho biết, bệnh do vi rút Zika vốn lành tính hơn sốt xuất huyết, thường tự khỏi sau 4 - 5 ngày điều trị triệu chứng. Tuy nhiên với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu lại có nguy cơ vì Zika có thể gây ra hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, tỷ lệ bà mẹ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng này rất thấp, chỉ có 1-10% sinh con mắc dị tật chứng đầu nhỏ. Vì thế, TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương khuyến cáo các thai phụ không quá lo lắng bởi không phải trường hợp thai phụ nào nhiễm Zika cũng gây ra hội chứng đầu nhỏ cho thai nhi.
Trên thế giới, cụ thể ở Brazil, tỉ lệ phụ nữ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng đầu nhỏ cũng chỉ khoảng 10%. Vì thế, việc theo dõi chặt trong 3 tháng đầu để phát hiện nguy cơ là vô cùng quan trọng. Việc phát hiện hội chứng đầu nhỏ không khó vì bằng siêu âm 2 tuần/lần để theo dõi sự phát triển của chu vi vòng đầu, so sánh với bảng phát triển bình thường theo tháng tuổi, nếu bất thường sẽ nhận ra ngay.
Cùng quan điểm này, ông Phu trấn an phụ nữ mang thai, không nên đổ xô đến bệnh viện xét nghiệm nếu không có triệu chứng gì. Còn trong thời kỳ mang thai nếu có triệu chứng mắc vi rút Zika (sốt, phát ban, đau khớp, đau cơ, đau mắt đỏ…) cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ sản khoa, kịp thời theo dõi diễn biến phát triển của thai nhi.
Thêm 1 văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh
Sáng 20/10, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức Lễ khởi động văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC). Đây là kết quả hỗ trơ kỹ thuật và tài chính của Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Hỗ trợ này nằm trong khuôn khổ chương trình an ninh y tế toàn cầu do CDC Hoa Kỳ triển khai từ 6/2014 và đến nay đã triển khai được 50 nước. Chương trình này gồm 11 gói hành động hướng tới 3 mục tiêu: ngăn ngừa, phát hiện và đáp ứng.
Với vị trí quan trọng trong bản đồ dịch tễ của dịch bệnh toàn cầu, Việt Nam được chọn là một trong hai quốc gia đầu tiên triển khai thí điểm Dự án An ninh Y tế toàn cầu của Chính phủ Hoa Kỳ ngay sau chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ con người Hoa Kỳ năm 2013 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những đóng góp trong việc góp phần bảo đảm an ninh sức khỏe trên phạm vi toàn thế giới.
Trước đó, văn phòng EOC Quốc gia đặt tại Bộ Y tế đã được khởi động từ tháng 2/2015, qua thời gian hoạt động đã cho thấy hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh (như Ebola, cúm A, Zika ...).
Hồng Hải