Thêm bé gái 4 tuổi nguy kịch, viêm cơ tim cấp sau ít ngày sốt nhẹ

Hoàng Lê

(Dân trí) - 4 ngày sau khi sốt nhẹ, ho, sổ mũi, ói và đau bụng, bé gái ở Vĩnh Long diễn tiến nguy kịch, sức co bóp cơ tim giảm, phải chuyển khẩn lên TPHCM chạy ECMO cấp cứu.

Đó là trường hợp của bé P.G.H. (4 tuổi, quê Vĩnh Long). Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), trước đó bé khởi động bệnh đơn giản với triệu chứng sốt nhẹ, ho, sổ mũi và ói, đau bụng ít sau ăn.

Nhưng chỉ sau 4 ngày điều trị ngoại trú kém đáp ứng, bệnh nhi diễn biến nguy kịch với sốt cao, ngủ giật mình chới với, run yếu chi, nổi hồng ban tay chân khó nhận biết và loét họng.

Thêm bé gái 4 tuổi nguy kịch, viêm cơ tim cấp sau ít ngày sốt nhẹ - 1

Bé gái 4 tuổi diễn tiến nguy kịch sau ít ngày có triệu chứng sốt nhẹ (Ảnh: BV).

Bé nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng li bì, sức co bóp cơ tim giảm rõ, theo dõi biến chứng viêm cơ tim trên độ nặng nhất của bệnh tay chân miệng. Với sức khỏe như vậy, bệnh nhi được chuyển khẩn đến bệnh viện tuyến trên ở TPHCM.

Thời điểm vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé gái đã hôn mê, môi tái, ghi nhận tụt huyết áp nặng nề, nhịp tim nhanh, sốt cao liên tục kém đáp ứng với thuốc, phù phổi, men tim cao. Lập tức, bé được truyền globulin miễn dịch, lọc máu, dùng kháng sinh phổ rộng.

Thêm bé gái 4 tuổi nguy kịch, viêm cơ tim cấp sau ít ngày sốt nhẹ - 2

Bệnh nhi được chạy ECMO 12 ngày cùng hàng loạt các biện pháp can thiệp tích cực khác (Ảnh: BV).

Dù đã được can thiệp bằng thuốc vận mạch liều cao, huyết động học của bé vẫn không ổn định, mạch còn nhanh và men tim vẫn tiếp tục tăng. Do đó, các bác sĩ quyết định dùng phương pháp ECMO (oxy hóa màng ngoài cơ thể) để tìm cách cứu mạng bệnh nhi.

Với sự phối hợp của ekip khoa Hồi sức tích cực, Ngoại lồng ngực, Tim mạch, bệnh nhi được lọc máu liên tục 2 ngày, chạy ECMO 12 ngày.

Quá trình điều trị, bé gái hồi phục dần, tỉnh táo, cơ tim hoạt động tốt, tiến tới cai máy thở. Đến nay, sức khỏe bé đã ổn định, tự thở được.

Các bác sĩ khuyến cáo, với tình hình bệnh tay chân miệng kéo dài của năm nay, phụ huynh cần cảnh giác, theo sát khi trẻ có dấu hiệu nặng để khám và nhập viện sớm, từ đó kịp thời phát hiện, điều trị các biến chứng nguy hiểm.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tính đến tuần thứ 42 của năm, TPHCM ghi nhận 32.499 ca tay chân miệng. Riêng tuần thứ 42, có gần 1.900 trường hợp mắc bệnh được phát hiện, tăng hơn 31% so với trung bình 4 tuần trước.

Các khu vực có số ca mắc tay chân miệng trên 100.000 dân cao là huyện Nhà Bè, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Còn theo số liệu của Viện Pasteur TPHCM, trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ mắc tay chân miệng mới trung bình của khu vực phía Nam là 229 ca/100.000 dân. Số ca mắc tích lũy tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, các trường hợp nặng và tử vong lại tập trung ở khu vực miền Tây (81%). Bệnh tay chân miệng nặng tập trung ở trẻ em dưới 3 tuổi (chiếm 77%). Đến nay, khu vực phía Nam đã ghi nhận 23 trường hợp tử vong, với tác nhân chủ yếu là virus EV71.

Trước đó vào tháng 10, một bé gái 5 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận cũng khởi phát triệu chứng sốt nhẹ và vừa không liên tục 3 ngày, ho, sổ mũi. Đến ngày thứ 4, bệnh nhi ói nhiều lần ra dịch nâu, bụng chướng, được xác định đã bị sốc sốt xuất huyết nguy kịch.

Bệnh nhi phải chuyển đến TPHCM điều trị tích cực và may mắn được cứu sống.