TPHCM: Bệnh nhi tay chân miệng dễ biến chứng khi chuyển viện không an toàn
(Dân trí) - Theo Sở Y tế TPHCM, có bệnh viện tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu điều trị kịp thời cho các bệnh nhi tay chân miệng, chuyển bệnh không an toàn, dẫn đến các biến chứng nặng, nguy hiểm.
Tử vong vì chuyển bệnh không an toàn
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm khu vực phía Nam trong tháng 10 do Sở Y tế TPHCM tổ chức, đại diện Viện Pasteur TPHCM cho biết, tính đến tuần 40, số ca mắc tay chân miệng đã vượt đỉnh thứ nhất của năm và vẫn đang tiếp tục tăng.
Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ mắc tay chân miệng mới trung bình của khu vực phía Nam là 229 ca/100.000 dân. Số ca mắc tích lũy tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, các trường hợp nặng và tử vong lại tập trung ở khu vực miền Tây (81%). Bệnh tay chân miệng nặng tập trung ở trẻ em dưới 3 tuổi (chiếm 77%). Đến nay, khu vực phía Nam đã ghi nhận 23 trường hợp tử vong (chưa có bệnh nhân tại TPHCM), với tác nhân chủ yếu là virus EV71.
Sau các báo cáo và thảo luận của các đơn vị tham dự, Hội nghị thống nhất những nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vẫn còn một số bệnh viện chuyên khoa sản nhi ở một số tỉnh trong khu vực chưa có đủ thuốc thiết yếu (như Immunoglobulin, Phenobarbital, Milrinone).
Đáng chú ý, có bệnh viện tỉnh chưa triển khai được kỹ thuật lọc máu, nên chưa đáp ứng yêu cầu điều trị kịp thời cho trẻ ngay khi chuyển nặng, dẫn đến tình trạng chuyển bệnh không an toàn. Từ đó, bệnh nhân không được điều trị kịp thời, bị các biến chứng nặng, thậm chí tử vong.
Việc chuyển bệnh hàng loạt lên TPHCM cũng đồng thời gây quá tải cục bộ tại các bệnh viện tuyến cuối của địa phương. Thống kê cho thấy, 70% tổng số bệnh nhi tay chân miệng đang điều trị nội trú tại 4 bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM là từ các tỉnh chuyển về.
Bộ Y tế: Thuốc không thiếu, nhà cung ứng chờ đơn đặt hàng
Phản hồi thông tin cho rằng một số bệnh viện ở khu vực phía Nam không đủ thuốc điều trị tay chân miệng, ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, Bộ Y tế đã làm việc với các nhà cung ứng và có thể khẳng định: Thuốc không thiếu.
Tuy nhiên theo ông Dũng, thuốc cũng không có sẵn. Vấn đề đặt ra là các bệnh viện có gặp trở ngại gì trong việc mua sắm?
Ông Dũng chia sẻ, Bộ Y tế đã ra rất nhiều công văn đề nghị các cơ sở điều trị chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm, đặt hàng các đơn vị cung ứng thuốc. Gần đây, Bộ này cũng tiếp tục liên hệ, trao đổi với Sở Y tế TPHCM rà soát thông tin báo chí đã nêu, để đảm bảo có đủ thuốc điều trị tay chân miệng.
Riêng về thuốc Immunoglobulin, phía Bộ Y tế khẳng định, hiện nay có 13 nhãn thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Các nhà cung ứng sở hữu số đăng ký hoàn toàn có thể nhập về tự do, khi có đơn đặt hàng của các đơn vị điều trị.
Đồng thời, Cục Quản lý Dược cũng đã cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ thuốc Immunoglobulin để đáp ứng cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh. Đến nay, đã có 8.258 lọ thuốc diện này nhập về Việt Nam, được cung ứng cho các bệnh viện. Dự kiến vào cuối tháng 11, các lọ thuốc tiếp theo sẽ về.
"Cơ sở nhập khẩu đang chờ đơn đặt hàng để nhập phần còn lại của lô 15.000 lọ thuốc đã cấp phép, và vẫn chưa nhận được đơn của các đơn vị", ông Dũng nói.
Về hoạt chất Phenobabital, đại diện Bộ Y tế thông tin, hiện nay có một loại thuốc do cơ sở trong nước sản xuất và được cấp giấy lưu hành.
Ngoài ra, Phenobabital cũng có nhập khẩu, để sẵn sàng cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh, và cũng chờ đơn đặt hàng.
Song song đó, cơ quan quản lý dược thuộc Bộ Y tế cũng cấp phép nhập 21.000 lọ Phenobabital chưa có giấy đăng ký lưu hành, để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt theo quy định. Những cơ sở có nhu cầu, đã làm các kế hoạch điều trị đều được tiếp cận nguồn thuốc này.
"Hiện nay, Cục Quản lý Dược tiếp tục nhận được yêu cầu từ các cơ sở khám chữa bệnh về việc nhập khẩu thuốc Barbit injection 200mg/ml (Phenobabital dạng tiêm) để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt. Cục đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị nhập khẩu", ông Dũng nói thêm.
Về thuốc chứa hoạt chất Milrinone, hiện có hai cơ sở trong nước sản xuất và có sẵn thuốc để cung ứng cho các cơ sở điều trị.