Thai phụ 30 tuổi mắc ung thư đại tràng vẫn “gồng mình” giữ con

(Dân trí) - Vào viện vì thấy đau bụng, nôn ra thức ăn, người phụ nữ (Quảng Ninh) đang có thai 23 tuần không ngờ mình lại mắc ung thư đại tràng. Dù vậy, chị vẫn muốn giữ lại “giọt máu” của mình.

Ngày 23/6, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh quyết định mổ lấy cho chị Nguyễn Thị T.(30 tuổi), ở Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh mắc ung thư đại tràng. Bé trai chào đời khi được 39 tuần. 

Trước đó ngày 5/3, thai phụ được người nhà đưa đến viện trong tình trạng đau bụng cơn kèm theo nôn ra thức ăn, không sốt, bí trung đại tiện được. Kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy thể trạng bệnh nhân mệt mỏi, da niêm mạc nhợt, thai tương đương 23 tuần, có khối u đại tràng kích thước 8cm gây tắc ruột. 

Qua hội chẩn chuyên khoa, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đại tràng góc gan/ thai 23 tuần. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật cấp cứu cắt khối u đại tràng đồng thời bảo tồn thai 23 tuần cho bệnh nhân. 

Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định. Cũng từ đó là lúc chị bước vào cuộc chiến với căn bệnh bệnh ung thư đại tràng và nuôi dưỡng em bé 23 tuần tuổi của mình.

Thai phụ 30 tuổi mắc ung thư đại tràng vẫn “gồng mình” giữ con - 1

Sau quá trình chiến đấu, chịu đựng nỗi đau về thể xác, gồng mình chống chọi căn bệnh ung thư đồng thời giữ lại “giọt máu” của mình. 

Đến ngày 23/6 khi thai nhi được 39 tuần thì thai phụ xuất hiện đau bụng cơn tăng dần… Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật mổ lấy thai. Sau 10 phút, bé trai chào đời, khóc to, da môi hồng. Bé được các y bác sĩ cắt dây rốn muộn và da kề da mẹ 90 phút sau sinh.

Bác sĩ Hoàng Văn Quỳnh chia sẻ: “Điều kỳ diệu đã xảy ra. Sản phụ sau khi phát hiện mình mang căn bệnh ung thư nhưng vẫn quyết giữ lại “giọt máu” của mình. Bé trai chào đời mang lại niềm hạnh phúc cho gia đình.

Theo BS Quỳnh, để quá trình mang thai và sinh sản được thuận lợi, hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra, việc khám sàng lọc, xét nghiệm trước khi mang thai là vô cùng quan trọng. Việc phát hiện ung thư sớm, sẽ hỗ trợ các bác sĩ đưa ra được các liệu pháp điều trị thích hợp và ít ảnh hưởng đến thai nhi nhất.

Thời gian qua, nhiều người mẹ do vô tình hoặc hữu ý đã mang thai, sinh con trong lúc đang điều trị ung thư. Bác sĩ cảnh báo, đây là quyết định rất khó khăn cả về mặt chuyên môn lẫn tâm lý của người bệnh.

Với ung thư đại tràng, giai đoạn đầu các triệu chứng sớm rất nghèo nàn, chủ yếu vẫn tập trung vào các rối loạn tiêu hoá như: táo bón, ỉa chảy, đôi khi đi ngoài ra máu, khuôn phân nhỏ, nhiều khi chỉ là đầy chướng bụng, rối loạn thói quen đi ngoài. Giai đoạn muộn hơn thì có dấu hiệu đau bụng, bán tắc ruột, bệnh nhân có thể sút cân, suy nhược, mệt mỏi, thể trạng chung kém. 

Ung thư đại tràng là ung thư đường tiêu hóa thường gặp, bệnh phát triển với 4 giai đoạn chính, được phân loại dựa trên cấu trúc của đại tràng và cách tế bào lây lan từ đại tràng tới các bộ phận khác của cơ thể.

Giai đoạn ung thư càng muộn thì tiên lượng sống càng giảm. Ung thư giai đoạn đầu thường phát triển chậm hơn và có tiên lượng tốt hơn. Tiên lượng sống của người bệnh phụ thuộc vào giai đoạn, người bị ung thư giai đoạn 1, tỷ lệ sống thêm 5 năm là 90%, giai đoạn 2 là 80-83%, giai đoạn 3 là 60% và giai đoạn 4% là 11%.

Hà An