Đắk Nông:
Tập trung truy thu 3 tấn tạp phẩm cà phê đã bán ra thị trường
(Dân trí) - Theo lời khai ban đầu của bà Loan, từ đầu năm 2018 tới nay, 3 tấn tạp phẩm cà phê đã được bán cho một đối tượng không rõ lai lịch tại Bình Phước. Toàn bộ được làm theo đơn đặt hàng, tuy nhiên bà này mới mất điện thoại, không có địa chỉ, tên tuổi của người mua nên không biết số hàng được bán ra đang ở đâu.
Mua 3 triệu tiền pin về nhuộm vỏ cà phê, bột đá
Sau khi Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Đắk Nông bắt quả tang cơ sở của bà Loan đang có hành vi trộn vỏ cà phê, bột đá và nước bột pin, chủ cơ sở này đã có thông tin tới báo chí.
Bà này cho biết, năm 13 tuổi (bà Loan sinh năm 1975) đã làm nghề mua tiêu bụi, cà phê bụi thải loại, về sàng lọc lại bán kiếm lời. Đến cuối năm 2016, bà có đăng ký kinh doanh thu mua nông sản với mục đích vay tiền ngân hàng lấy vốn làm ăn. Do chưa vay được vốn nên từ Tết đến nay, gia đình bà cũng không mua bán gì mà toàn bộ là hàng tồn từ những năm trước.
Thông tin về những bao tạp phẩm cà phê để trong nhà, bà này cho biết mấy tháng trước, thấy gia đình phơi chất thải loại đầy sân, có một phụ nữ đến hỏi mua với giá 3.000 đồng/kg. Sau khi “người lạ mặt” đặt vấn đề mua với số lượng lớn, bà này đã ủ lại toàn bộ vỏ cà phê, sỏi đá vào 1 góc rồi tưới nước để có màu đen. Do ủ lâu quá, 1 bức tường bị sập, nên bà Loan buộc phải đóng bao mấy chục tấn còn lại cho vào kho.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Bảo, người chung sống với bà Loan, ông dùng than pin nhuộm tạp chất cho chuyển thành màu đen. Pin được thu mua từ các tiệm tạp hóa, hết 3 triệu đồng về nhuộm được khoảng 3 tấn thì bị công an thu giữ (trong kho có hơn 21 tấn). Riêng 3 tấn tạp chất mà công an nói đã bán ra thị trường với giá 9 triệu đồng thì "chưa nhuộm".
Một hàng xóm của bà Loan cho biết gia đình bà chuyển về địa phương từ năm 2016, lập doanh nghiệp thu mua nông sản. Ngày trước, gia đình bà Loan thu mua các phế phẩm cà phê, hồ tiêu về phơi đầy ngoài đường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, doanh nghiệp này đóng cửa, không còn phơi tạp chất như trước. “Có lẽ họ chuyển sang dùng lò sấy nên không phơi nắng nữa”, người này cho hay.
Một người dân sống gần nhà bà Loan cũng thông tin thêm, năm 2017 họ thường thấy thấy vợ chồng bà Loan chở từng bao pin về nhưng không biết họ dùng làm gì. Từ đó nhiều người dân đã nghi ngờ gia đình bà Loan sản xuất hồ tiêu, cà phê giả nên đã báo cho cơ quan chức năng.
Thông tin này được cán bộ Công an xã Nhân Đạo (huyện Đắk R’lấp) xác nhận. Vị cán bộ này cho biết, mặc dù cơ sở này nằm trên địa bàn xã Đắk Wer, nhưng lại tiếp giáp xã Nhân Đạo (ranh giới là 1 con đường). Khi nghe người dân thông báo, công an xã đã nhiều lần thăm dò, tuy nhiên do căn nhà được lắp đặt tới 6 camera quan sát nên công an chưa thể thâm nhập thực tế. “Trước đó năm 2016, tôi cũng thấy gia đình bà Loan chở nhiều bao tải lớn, khi hỏi ra mới biết đó là pin", vị công an này cung cấp.
Trả lời câu hỏi về 6 camera an ninh, bà Loan giải thích: "Gia đình đã bị mất trộm và tôi rất quan tâm đến con nên lắp các camera với mục đích bảo đảm an ninh cho gia đình”.
Có thu hồi được sản phẩm đã bán?
Chiều 18/4, tại buổi họp báo do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức, đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra mục đích của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ngụ thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) nhuộm phế phẩm cà phê, bột đá với than pin.
Trả lời báo chí, ông Quy cho biết, hiện công an tỉnh Đắk Nông mới chỉ mời những người liên quan lên làm việc, chưa áp dụng biện pháp hình sự nào đối với vợ chồng bà Loan và người làm công. "Vụ việc xuất hiện nhiều tình tiết mới, công an tỉnh đang điều tra", ông Quy cho hay.
Theo thông cáo báo chí do UBND tỉnh Đắk Nông phát đi ngày 19/4, hiện cơ quan Công an đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung điều tra làm rõ các nội dung: Bà Loan sản xuất hỗn hợp nêu trên để đưa đi tiêu thụ ở đâu, số lượng bao nhiêu? Mục đích sử dụng hỗn hợp nêu trên để làm gì? Có sử dụng hỗn hợp trên làm nguyên liệu chế biến thực phẩm hay không? Các nội dung liên quan khác nhằm làm rõ hành vi vi phạm? Từ đó làm cơ sở để tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, khi được hỏi thông tin về người phụ nữ đặt mua tạp phẩm cà phê của gia đình bà Loan, bà này cho biết: "Tôi có lấy số điện thoại của người phụ nữ này nhưng sau đó bị mất điện thoại nên giờ không biết bà ta ở đâu, mua làm gì". Ông Bảo cũng khẳng định không có địa chỉ người mua.
Trong khi đó, theo một số người dân quanh khu vực cung cấp, ít nhất cơ sở sản xuất của bàn này đã bán được 2 xe container hàng. Tuy nhiên, Đại tá Lê Vinh Quy đã bác bỏ thông tin này tại buổi họp báo chiều ngày 18/4.
Dương Phong