1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tập sau bữa tối - Tự hành xác!

Thấy tập aerobic hiệu quả nên chị Nguyễn Thị Tuyến (tập thể Giảng Võ, Hà Nội) càng cố tập nhiều hơn. Vài tháng sau, chị thấy đau bụng. Bác sĩ cho biết chị bị viêm và sa dạ dày do tập quá nặng. Nguyên nhân là do tập nặng sau bữa ăn no.

Còn anh Nguyễn Văn Trung ở Đống Đa, Hà Nội, là một doanh nhân tương đối thành đạt. Gần đây, anh thấy mình hơi phệ, nên quyết định thuê sân cùng bạn bè chơi tennis. Sau giờ làm việc thì sân đã kín, vả lại giờ này anh cũng phải tiếp khách nên 20h30-22h là giờ tập thích hợp đối với anh.

 

Vậy là ngày nào cũng cơm no rượu say, anh mới vác vợt đi tập. Khi mới chơi, anh thấy mình đau cơ, mệt mỏi, mất ngủ nhưng cho đó là chuyện thường nên càng cố gắng. Một thời gian sau, sức khỏe của anh sút đi trông thấy. Nhờ sự tư vấn của các chuyên gia thể dục thể thao anh mới biết rằng, mình mắc bệnh mệt mỏi mãn tính do thể dục không đúng nhịp sinh học cơ thể...

 

"Họ không có kiến thức về vệ sinh tập luyện", đó là lời khẳng định của bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Viện Khoa học thể dục thể thao, khi nói về phong trào tập luyện sau bữa tối của đông đảo người dân. Theo bác sĩ Phú, buổi tập nên được bắt đầu sau khi ăn ít nhất khoảng 2 giờ. Bữa ăn trước khi tập luyện là bữa nhẹ gồm một chút tinh bột và rau quả, chỉ giúp cung cấp năng lượng vừa đủ để tiêu hao trong quá trình tập luyện và phục hồi.

 

Ăn no, ăn nhiều khi tập luyện sẽ làm sa dạ dày. Ăn lúc 19h, đến 20h ra sân tập là không nên vì khi vừa ăn xong, máu tập trung ở dạ dày và ưu tiên cho cơ quan tiêu hóa. Nếu lúc đó chúng ta tập luyện, vận động, máu phải phân tán tới các cơ quan ngoại biên làm cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn, dẫn tới tiêu hóa chậm. Ngược lại, quá trình tiêu hóa cũng ngăn cản quá trình vận động chung của cơ thể, gây ra biểu hiện rối loạn tuần hoàn. Như vậy, cả sự tập luyện và tiêu hóa đều không có hiệu quả. Hơn nữa, tác dụng cơ học của vận động sẽ ngăn trở quá trình tiêu hóa của dạ dày, lâu dần gây viêm loét dạ dày, đường tiêu hóa.

 

Nguyên tắc vận động bao giờ cũng phải đủ ngưỡng. Cả ngày chúng ta đã lao động, tối đến (20-21h) là lúc cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi sinh lý, cần được nghỉ ngơi. Nếu lúc này ta thách thức cơ thể bằng một buổi tập hay chơi tennis là bắt cơ thể lao động vượt ngưỡng.

 

Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới mệt mỏi quá sức mãn tính và sinh ra các bệnh lý thực sự như: rối loạn kinh nguyệt, suy thượng thận, thay đổi về mặt tâm lý, cảm xúc, rối loạn về giấc ngủ, tiêu hóa... Khi rơi vào tình trạng này, bệnh nhân phải có sự điều trị thực sự chứ không phải chỉ là nghỉ ngơi hay phục hồi đơn thuần.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch hội Đông y Việt Nam, thời điểm khởi động cơ thể tốt nhất là ngay sau khi ngủ dậy. Vài động tác thể dục, đi bộ... sẽ đánh thức cơ thể, tạo sự lưu thông khí huyết và tinh thần sảng khoái, sẵn sàng cho một ngày lao động nặng nhọc.

 

Thời gian tập luyện giúp đạt tới đỉnh cao là sáng 9-10h, buổi chiều 15-18h. Đây là thời gian nhịp độ sinh học lên cao, cơ bắp thoát khỏi sự ỳ, hệ thống tuần hoàn, hô hấp hoạt động tốt nên tập luyện dễ đạt thành tích cao, thực hiện động tác chuẩn xác hơn.

 

Sau tập luyện, cần uống nước đường để bổ sung năng lượng tiêu hao, cân bằng đường huyết và giảm lượng axit latic trong máu. Sau khi tập luyện, cần nghỉ 30 phút mới ăn; nếu tập nặng, nên nghỉ nhiều hơn (khoảng 45 phút) và có thể ăn nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu là buổi tối, không nên ăn quá no, tránh bia rượu và nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu.

 

Theo Khoa học & Đời sống

 

Dòng sự kiện: Tập thể dục