Tăng giới hạn tồn dư chất cấm trong chăn nuôi: Dư luận đang hiểu nhầm!
(Dân trí) - Bộ NN&PTNT vừa ban hành Thông tư 01/2016 cho phép tăng giới hạn xác định chất cấm tồn dư trong chăn nuôi khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng thực phẩm chứa chất cấm sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi cho biết, dư luận đang hiểu lầm về thông tư này!
Mới đây, theo kiến nghị của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã ban hành Thông tư 01/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2012/TT-BNNPTNT ngày 7/11/2012 quy định việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi.
Trước đây, theo Thông tư 57/2012, giới hạn xác định dương tính với chất cấm trong nước tiểu của động vật bằng hoặc trên 2ppb (par per billion, phần tỷ - PV) trên một mẫu, thì Thông tư 01/2016 cho phép tăng giới hạn lên 5ppb với salbutamol, 3ppb với clenbuterol, 2ppb với ractopamine.
Ngay khi Thông tư 01/2016 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/2/2016 đã nhận được rất nhiều luồng dư luận phản đối, lo ngại của người dân cũng như chuyên gia cho rằng: Thông tư này đang “tiếp tay” cho người chăn nuôi không có lương tâm - họ càng có “cơ hội” sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn người tiêu dùng nguy cơ phải sử dụng thực phẩm chứa chất cấm cũng sẽ nhiều hơn.
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Bá Thoại - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nội tiết Việt Nam, bày tỏ quan ngại: “Theo nguyên tắc y tế, đã là chất độc hại, chất cấm sử dụng trong chăn nuôi thì càng hạ mức an toàn tức nồng độ cho phép càng thấp, có nghĩa là thực phẩm càng “sạch” hơn và thịt càng tốt hơn cho người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi giải thích, dư luận đang hiểu nhầm về thông tư này, không có chuyện cho phép nâng mức chất cấm tồn dư trong chăn nuôi.
Cũng theo ông Dương, sự điều chỉnh tại của Thông tư 01/2016 nhằm đảm bảo tất cả các thiết bị phân tích đều cho kết quả chính xác. Các que thử Kit nhanh trên thế giới đều khuyến cáo để ở mức đó sẽ cho kết quả phân tích chính xác.
“Thực tiễn phân tích chất cấm sabutamol trong nước tiểu đều là 100-1000 ppb, sự điều chỉnh ở Thông tư 01/2016 nhằm đảm bảo phân tích chính xác, không có sự khác nhau giữa các phòng thí nghiệm. Vì thế chúng ta quy định ngưỡng là 2-5 ppb chẳng là gì cả, giới hạn này là quá an toàn. Đó là giới hạn ở nước tiểu, còn giới hạn phát hiện thức ăn dương tính với chất cấm đã thay đổi từ 50 ppb xuống còn 10ppb. Điều này có nghĩa là Thông tư mới quy định cụ thể hơn chứ không phải nâng giới hạn này lên”, ông Dương nói.
Ông Dương thông tin thêm, sự thay đổi của Thông tư 01/2016 đã được thông qua hội đồng khoa học, một số nước trên thế giới còn để cao hơn Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng cần để các thông số nêu trên về 0, nhưng theo ông Dương không được bởi rất dễ dẫn đến oan sai. Vì có mẫu phòng thí nghiệm này bảo là dương tính, phòng thí nghiệm kia lại bảo âm tính gây khó xử cho cơ quan quản lý, oan sai cho người chăn nuôi.
Tiếp tục khẳng định lại với PV Dân trí, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết: “Đây là quy định về kiểm tra, giới hạn này đảm bảo chính xác, không có sai số giữa các phòng thí nghiệm với nhau. Đây không phải là giới hạn cho phép chất cấm tồn tại, bởi khi đã có quy định cấm nghĩa là không cho phép tồn tại rồi. Chính vì thế một số phản ứng lo ngại của cá nhân, cơ quan quản lý là do họ chưa hiểu vấn đề”.
Nguyễn Dương