Tại sao mũi của nam giới lại lớn hơn?

(Dân trí) - Mũi của người có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Nhưng có một đặc điểm tỏ ra luôn luôn đúng: đó là mũi của nam lớn hơn của nữ.

 

Mũi của nam giới bắt đầu lớn hơn ở tuổi dậy thì

Mũi của nam giới bắt đầu lớn hơn ở tuổi dậy thì

  

Nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Iowa (Mỹ) công bố trên tờ American Journal of Physical Anthropology, kết luận rằng trung bình ở người châu Âu mũi của nam giới lớn hơn của nữ khoảng 10%. Sự khác biệt về kích thước được tin là bắt nguồn từ sự hình thành khác biệt giới tính và nhu cầu năng lượng: Nam giới nói chung có khối cơ nhiều hơn, do đó cần nhiều ô-xi hơn để các mô cơ tăng trưởng và duy trì. Mũi lớn hơn đồng nghĩa với lượng ô-xi hít thở và vận chuyển trong máu để cung cấp cho cơ nhiều hơn.

 

Các nhà nghiên cứu cũng nhận xét rằng nói chung nam và nữ bắt đầu biểu hiện sự khác biệt về kích thước mũi khi được khoảng 11 tuổi, là lúc bắt đầu dậy thì. Về sinh lý mà nói thì nam bắt đầu phát triển khối cơ từ thời điểm này, trong khi nữ phát triển khối mỡ nhiều hơn. Nghiên cứu trước đây đã cho thấy trong giai đoạn dậy thì, khoảng 95% trọng lượng cơ thể tăng lên ở nam là khối cơ, so với 85% ở nữ.

 

Nghiên cứu cũng giải thích tại sao mũi của chúng ta lại nhỏ hơn của tổ tiên loài người, ví dụ như người Nê-an-đéc-tan. Các nhà nghiên cứu tin rằng lý do là vì những tổ tiên xa xưa của chúng ta có nhiều cơ bắp hơn, và do đó cần cái mũi lớn hơn để duy trì khối cơ này. Con người hiện đại có khối cơ bắp ít hơn, đồng nghĩa với việc được nhận chiếc mũi “nhỏ nhắn” hơn. Ở người hiện đại lồng ngực và phổi cũng nhỏ hơn, càng củng cố ý kiến rằng chúng ta không cần nhiều ô-xi để nuôi dưỡng cơ thể như người tiền sử.

 

Nhóm nghiên cứu đã theo dõi kích thước và sự phát triển của mũi ở 38 người gốc Âu, định kỳ lấy các số đo nội và ngoại hình từ lúc 3 tuổi đến khoảng 25-26 tuổi. Họ thấy rằng nói chung các em nam và em nữ có kích thước mũi như nhau cho đến khi bắt đầu tuổi dậy thì, khoảng 11 tuổi. Kể từ đó sự khác biệt về kích thước ngày càng rõ rệt. Ngay cả khi kích thước cơ thể như nhau thì mũi của nam vẫn lớn hơn của nữ.

 

Những phát hiện này cũng đúng với các quần thể dân cư khác, vì những khác biệt sinh lý giữa nam và nữ diễn ra không phân biệt văn hóa và chủng tộc, mặc dù sẽ cần nghiên cứu thêm để khẳng định điều này.

 

Một khía cạnh thú vị khác của nghiên cứu là ý nghĩa của nó đối với cách nghĩ của chúng ta về chiếc mũi. Có thể thấy mũi không phải là bộ phận “tô điểm” cho gương mặt và cũng không chỉ là phần “nối dài” của phổi.

 

"Theo nghĩa này, chúng ta có thể thấy rằng mũi là một thực thể độc lập với xương sọ và có liên quan chặt chẽ hơn với những khía cạnh khác của giải phẫu ngoài xương sọ," Nathan Holton, Trường Nha khoa Đại học Iowa, tác giả chính của nghiên cứu nói.

 

Cẩm Tú

Theo ScienceDaily