Tại sao ăn mì ăn liền hàng ngày lại không tốt cho sức khỏe?

(Dân trí) - Chúng ta được nghe nói rất nhiều rằng cần tránh các thực phẩm chế biến sẵn vì chúng sẽ làm ta béo lên. Nhưng việc theo dõi quá trình tiêu hóa của mì ăn liền trong cơ thể đã mang đến thêm một lý do nữa để tránh loại đồ ăn này.

Tại sao ăn mì ăn liền hàng ngày lại không tốt cho sức khỏe?
Bằng 1 camera siêu nhỏ hình con nhộng, các chuyên gia đã phát hiện ra rằng sợi mỳ không hề được tiêu hoá trong dạ dày sau 2 tiếng 


Sợi mì nằm nguyên trong dạ dày 2 tiếng

Sử dụng M2A - một thiết bị camera LED tí hon bằng cỡ viên thuốc con nhộng được nuốt vào đường tiêu hóa, các nhà khoa học thuộc dự án TEDxManhattan 2011đã theo dõi hai người ăn bữa ăn tương tự nhau: một gồm những thực phẩm chế biến sẵn (nước uống thể thao, mì ăn liền và mứt dẻo), và một gồm những thực phẩm nhà làm (nước bụp giấm, mì tự làm và mứt dẻo làm từ nước quả). Quá trình tiêu hóa những thực phẩm này có sự khác biệt rõ rệt, với những sợi mì ăn liền sau 2 tiếng vẫn còn trong dạ dày.

Không chỉ khó tiêu hơn, những thành phần không tốt cho sức khỏe và nghèo dinh dưỡng còn khiến cho mì ăn liền - như các tác giả nhận xét - “phù hợp để sống sót qua ngày tận thế hơn là để ăn”.

Nói chung một gói mì ăn liền thường chứa một vắt mì đã chiên và một gói gia vị. Với phần lớn các thương hiệu, một gói mì 85g thực ra là bằng 2 phần ăn, mặc dù cả gói thường được ăn hết luôn một lần.

Những bức hình chụp trong dạ dày ghi nhận quá trình tiêu hoá mỳ tôm và mỳ tự làm
Những bức hình chụp trong dạ dày ghi nhận quá trình tiêu hoá mỳ tôm và mỳ tự làm

Chất béo

Hàm lượng chất béo của mì ăn liền thường cao vì mì đã được chiên trong quá trình chế biến. Một gói mì ăn liền chứa 13,3g chất béo, bao gồm 6,4g chất béo no. Chất béo no làm tăng mức cholesterol và góp phần vào bệnh tim mạch.

Hội Tim Mỹ khuyến nghị hạn chế chất béo no ở mức 7% tổng lượng calo hàng ngày và chất béo toàn phần từ 25 - 35% lượng calo hàng ngày. Với chế độ ăn 2.000 calo, điều này có nghĩa là hạn chế chất béo toàn phần ở mức 55 - 78g/ngày và chất béo no dưới 15,5g/ngày.

Muối

Một gói mì ăn liền chứa 1,731g muối, bằng hơn một nửa khẩu phần khuyến nghị có người lớn khỏe mạnh có ít nguy cơ cao huyết áp, và là hơn 100% tổng lượng khuyến nghị hàng ngày đối với người ở nhóm nguy cơ cao.

Theo Trung tâm phòng chống bệnh Mỹ, nhóm nguy cơ cao gồm những người đã có chẩn đoán cao huyết áp và người trên 40 tuổi. Những người tiền cao huyết áp (có huyết áp xấp xỉ giới hạn cao huyết áp), và những người có người thân trong gia đình có huyết áp cao cũng nên hạn chế muối. Cao huyết áp có thể dẫn đến bệnh tim, đột quị và suy thận.

Thực phẩm chế biến sẵn khó tiêu hơn thực phẩm tự nấu nhiều lần 
Thực phẩm chế biến sẵn khó tiêu hơn thực phẩm tự nấu nhiều lần 

Chất dinh dưỡng

Nếu những thứ xấu trong mì ăn liền không đủ là lý do để tránh biến nó thành một phần của chế chế độ ăn, thì cũng cần biết rằng mì ăn liền rất nghèo những dưỡng chất mà bạn sẽ nhận được khi ăn những thực phẩm lành mạnh hơn.

Tuy mì ăn liền có chứa một ít muối khoáng và vitamin, như riboflavin và selen, song có thể tìm thấy những chất này với lượng cao hơn nhiều trong các thực phẩm khác. Do đó, hãy chọn thêm một loại canh rau ít muối và một miếng hoa quả hoặc một cốc nước trái cây.

Những lựa chọn lành mạnh hơn

Để giảm calo và muối, bạn có thể chỉ ăn một nửa gói mì. Một cách tốt hơn là đừng sử dụng gói gia vị đi kèm mà thay vào đó bằng nước dùng làm từ rau và thịt nạc, như thịt gà.

Cẩm Tú

(Tổng hợp)