Suýt chết vì tự ý truyền dịch tại nhà khi thấy mệt mỏi
(Dân trí) - Khoảng 10 phút sau khi cắm kim truyền dịch, bệnh nhân L.T.H, 31 tuổi, ở Hà Giang thấy trong người khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn, rét run.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang, Hà Giang mới đây cấp cứu một trường hợp có biểu hiện sốc phản vệ do truyền dịch.
Trước đó, do thấy mệt mỏi, bệnh nhân đã ra hiệu thuốc mua một chai dịch và nhờ người truyền hộ. Sau khi cắm kim truyền được khoảng 10 phút, bệnh nhân thấy trong người khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn, rét run. Gia đình vội vàng rút kim truyền và ngay lập tức đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang, Hà Giang.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng trong tình trạng rét run, hoa mắt, nhịp tim nhanh, hoảng loạn, rối loạn ý thức.
Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành cấp cứu bệnh nhân theo phác đồ chống sốc phản vệ do truyền dịch. Sau xử trí, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi truyền dịch nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà do không có người theo dõi đầy đủ, không có thuốc cũng như phương tiện cấp cứu chống sốc.
Việc tự ý tiêm, truyền dịch bù nước tại nhà rất nguy hiểm, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Tai biến nặng có thể tử vong do sốc phản vệ, nhiễm trùng máu quá tải dịch gây phù phổi, suy hô hấp, suy tim. Vì vậy khi tiêm truyền phải được thực hiện tại các cơ sở y tế có đủ phương tiện cấp cứu đề phòng sốc phản vệ.
Thực tế có không ít trước hợp cứ ốm, mệt là tự ý truyền dịch để mau khỏe. Không chỉ những trường hợp mệt mỏi, nhiều người không đau ốm cũng truyền dịch, nước hoa quả để đẹp da, tăng cường sức khỏe.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), mục đích của truyền dịch là để nuôi dưỡng bệnh nhân, bù đủ lượng dịch mà cơ thể bị mất để đảm bảo thể tích tuần hoàn duy trì huyết áp và lượng nước trong các mô của cơ thể. Về nguyên tắc truyền dịch tốt cho sức khỏe nhưng không được lạm dụng.
Nếu có thể bù nước, dịch… bằng đường uống, hãy bù bằng đường uống. Bởi truyền nước, đường, lượng nạp vào cơ thể rất ít. Ví dụ, với tỷ lệ 5g đường trên 100 ml dung dịch thì việc truyền cho trẻ một chai glucose 5% chỉ tương đương với việc cho trẻ uống gần một thìa cà phê đường.
Tương tự, khi truyền một chai muối mất cả tiếng để truyền nhưng chỉ bằng uống một bát canh nhạt.
TS Dũng cũng khuyến cáo việc truyền dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí là sốc phản vệ. Vì thế, nếu phải truyền dịch chỉ được thực hiện tại cơ sở y tế. Bác sĩ chỉ ra chỉ định truyền trong trường hợp người bệnh không thể bù nước, đạm, dinh dưỡng bằng đường ăn uống. Như bệnh nhân sốt quá cao, nôn trớ nhiều, mệt mỏi không thể ăn, uống…
Dịch truyền cũng được coi là một loại thuốc, vì vậy liều dùng phải do bác sĩ chỉ định và cần theo dõi liên tục đề phòng các tai biến xảy ra. Truyền dịch cũng có quy định chặt chẽ. Nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố như thể bệnh, dịch được truyền, liều lượng, tốc độ… Một số trường hợp chống chỉ định như: suy thận cấp, suy thận mãn, suy gan, viêm gan nặng, chấn thương sọ cấp...
Kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng thì dễ xảy ra những tai biến sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền.
Nam Phương