1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sự hi sinh thầm lặng của những người thầy áo trắng!

(Dân trí) - Đối mặt với gian nguy, thử thách các bác sĩ của bệnh viện 09 dù bị kỳ thị, phân biệt đối xử… vẫn hết lòng với bệnh nhân nhiễm HIV của mình. Sự hi sinh thầm lặng ấy thật đáng trân trọng!

Nơi gửi gắm niềm tin, hy vọng

Từ lâu bệnh viện 09 là điểm đến, chốn nương náu và là nơi gửi gắm niềm tin của những người nhiễm HIV/AIDS. Ở đó, họ được điều trị, chăm sóc cả về sức khoẻ lẫn tinh thần. Các bác sĩ nơi đây không chỉ là thầy thuốc mà còn là những người bạn, là những ân nhân cứu giúp họ khi họ bị người thân ruồng bỏ, không nơi nương tựa.

Sự hi sinh thầm lặng của những người thầy áo trắng! - 1

Đối mặt với thử thách các bác sĩ vẫn say sưa với bệnh nhân của mình. Sự hi sinh thầm lặng ấy thật đáng trân trọng! (Ảnh: Vân Sơn)
 
“Đây thực sự là ngôi nhà chung của chúng em. Ở đây chúng em được tôn trọng và được điều trị, chăm sóc rất tận tình, chu đáo…”, bệnh nhân Nguyễn Văn T. (Cầu Giấy) chia sẻ. T. cho biết, ngày từ trại Xuân Khanh (Sơn Tây) về, Trường chỉ như khúc xương khô (cân nặng chỉ còn 35kg), bệnh tật đầy người… Gia đình ruồng bỏ, họ hàng khinh ghét, em chỉ còn biết chọn Trung tâm điều trị 09 là nơi nương thân. Sau một thời gian được các y, bác sỹ của Trung tâm chăm sóc và điều trị, em đã hồi phục sức khỏe, lấy lại niềm tin vào cuộc sống.
 
Vậy là từ những người bị coi là thừa, là tệ nạn xã hội, thậm chí là “dưới đáy của xã hội”, những người nhiễm HIV đã tự tin đứng lên làm lại cuộc đời, hòa nhập vào cộng đồng.

Sự hi sinh thầm lặng của những người thầy áo trắng

Người được coi là có thâm niên làm việc lâu nhất tại bệnh viện 09 là ThS. BS. Nguyễn Ngọc Hưng, 46 tuổi, Trưởng Khoa Nội. BS. Hưng bồi hồi nhớ lại, 15 năm trước, với háo hức tuổi trẻ, bản lĩnh nghề nghiệp, sự tò mò và chút “say” nghề, anh đã xin vào làm bác sĩ điều trị cho người nghiện. Gần chục năm sau, người thầy thuốc ấy tình nguyện xung phong vào “chiến trường” điều trị cho người nhiễm HIV giai đoạn cuối.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Hưng tâm sự, lúc mới vào nghề anh không thấy sợ mà chỉ muốn khám phá, tìm hiểu rõ bản chất của căn bệnh, đối tượng bị mắc bệnh này. Biết rằng đây là một nghề vô cùng nguy hiểm nên trong đầu anh lúc nào cũng nghĩ cách phòng ngừa lây nhiễm. Cũng không bao giờ anh lại nghĩ mình lại bị phơi nhiễm HIV. Ấy thế nhưng, trong một lần sơ sảy, anh đã bị mũi tiêm của một người nghiện (cũng là một bệnh nhân AIDS) cắm vào tay. May sao con vi rút HIV đã không xuất hiện trong cơ thể anh.
 
Nhưng không phải ai cũng kiên cường trụ lại với nghề như BS Hưng, cũng có những bác sĩ ra đi với vô vàn lý do, nhất là sau sự kiện một cán bộ nam bị nhiễm bệnh nghề nghiệp (nhiễm lao phổi) chuyển công tác.

Mặc dù đối mặt với hiểm nguy như vậy nhưng thu nhập cũng chỉ đáp ứng được mức sinh hoạt tối thiểu hằng ngày, chứ chưa đủ cho 1 cuộc sống gia đình. BS. Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Bệnh viện 09 chia sẻ, tuy nhà nước đã có chế độ ưu đãi cho các bác sĩ làm công tác này, xong thu nhập của anh em mới chỉ tạm ổn. 80% cán bộ, nhân viên ở đây vẫn phải đi thuê nhà để ở.

Khó khăn là vậy nhưng các cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ bệnh viện 09 vẫn gắn bó với công việc của mình, say sưa với bệnh nhân của mình. Có lẽ, sợi dây của cái nghiệp, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và trên hết là trái tim nhân ái đã liên kết và gắn bó họ với những người bệnh đặc biệt này!

Thu Hà, TL