1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

"Sự cố y khoa là điều không mong muốn nhưng vẫn xảy ra"

Nam Phương

(Dân trí) - PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai cho rằng chúng ta cần thay đổi tư duy ứng xử khi xảy ra sự cố y khoa. Điều quan trọng nhất là tìm nguyên nhân để khắc phục, thay vì xử phạt, thậm chí giấu.

Chia sẻ tại buổi tập huấn về báo cáo sự cố y khoa mới đây, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và an toàn người bệnh là vấn đề sống còn hiện nay. Trọng tâm của công tác an toàn người bệnh chính là ngăn ngừa không để xảy ra sự cố y khoa.

"Sự cố y khoa là điều không mong muốn xảy ra khi điều trị, dùng thuốc... Tuy nhiên, dù không mong muốn nhưng sự thật là nó vẫn diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh viện khác trên đất nước ta và cả trên thế giới. Chúng ta cần tìm cách để khắc phục, hạn chế ở mức tối thiểu nhất. Nếu như chúng ta lảng tránh nó, không quan tâm thì sẽ xảy ra rất nhiều", PGS Cơ nói. 

Sự cố y khoa là điều không mong muốn nhưng vẫn xảy ra - 1

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Thế Anh).

Theo ông, trước đây khi xảy ra sự cố chúng ta tìm cách giấu. Không giấu được thì tìm cách đổ lỗi cho nhau, không ai nhận lỗi, nhận trách nhiệm. Vì vậy, sự cố càng trầm trọng, xảy ra tần suất lớn hơn. Điều này là thực tế không phải chỉ ở Bệnh viện Bạch Mai, mà các bệnh viện khác tại nước ta hay trên thế giới cũng vậy. 

Người đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai cho rằng cần thay đổi quan điểm về sự cố y khoa. Công khai minh bạch thì sẽ đem lại thành quả, kết quả hết sức ấn tượng. Tại các nước phát triển như Nhật, Mỹ hoặc các nước châu Âu, họ quan tâm đến sự cố trong y khoa. Quan trọng nhất là người ta tìm ra nguyên nhân để khắc phục. 

"Sự cố có thể trong lĩnh vực ngoại khoa như đau chân phải thì mổ chân trái hay trong nội khoa - lấy nhầm thuốc… Bản thân tôi cũng đã nhầm nhưng nếu chúng ta không thay đổi, tiếp tục giữ tư duy có sự cố báo cáo lên là lãnh đạo phạt thì lần sau sẽ không có ai báo sự cố nữa. Khi phát hiện ra sự cố, sai sót người ta báo cáo lên đã là rất trách nhiệm", PGS Cơ chia sẻ. 

Vì thế, thay vì thành lập hội đồng kỷ luật thì các cơ sở lập hội đồng khoa học xem xét tại sao lại có lỗi này và tần suất dẫn đến sai sót này như thế nào, tìm phương pháp khắc phục thì sự cố ít xảy ra hơn. Xử phạt là cần nhưng quan trọng nhất vẫn là tìm ra cách khắc phục. 

"Quan trọng nhất là thay đổi tư duy, thay vì giấu thì chúng ta công khai, dám nhìn thẳng vào sự thật", PGS Cơ nói.

Chung quan điểm thạc sĩ- bác sĩ Ito Tomoo, Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y tế toàn cầu của Nhật Bản cho rằng khi xảy ra sự cố y khoa tâm lý tự nhiên là không ai muốn tự "vạch áo cho người xem lưng". Kinh nghiệm của nhiều nước thành công trong việc thực hiện báo cáo sự cố y khoa cho thấy cần nhấn mạnh mục đích chính là để cải thiện chất lượng, phòng ngừa tái diễn chứ không phải yếu tố xử phạt. 

"Chúng ta kêu gọi báo cáo sự cố y khoa mà không kèm cơ chế ứng xử sau khi báo cáo thì dù kêu gọi bao nhiêu cũng vô ích. Chúng ta cần tạo ra cơ chế, môi trường an toàn về tâm lý cho các cán bộ y tế. Mục đích lớn là tìm nguyên nhân để không lặp lại sai lầm này", chuyên gia Nhật nhấn mạnh. 

Sự cố y khoa là điều khó tránh khỏi trong môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều rủi ro như bệnh viện. Việc báo cáo sự cố y khoa có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự an toàn của người bệnh.

Bên cạnh các học viên đến từ Bệnh viện Bạch Mai, buổi tập huấn còn có sự tham gia của hơn 600 học viên là các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ làm việc tại hơn 30 cơ sở y tế trên khắp cả nước theo dõi trực tiếp qua 20 đầu cầu trực tuyến và các thiết bị cá nhân.