2,6 triệu ca tử vong mỗi năm liên quan đến sự cố y khoa

(Dân trí) - Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, ở các nước thu nhập cao khoảng 10% số lượng người bệnh bị tổn thương khi khám chữa bệnh tại bệnh viện. Tại các nước thu nhập trung bình và thấp ghi nhận tới 134 triệu sự cố y khoa xảy ra tại bệnh viện, là nguyên nhân gây ra 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm.

Ngày 17/9 tại Bộ Y tế đã diễn ra Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh Thế giới lần thứ nhất.

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, bệnh viện là một môi trường nguy cơ cao, nơi các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào từ bất kỳ dịch vụ khám chữa bệnh nào.

2,6 triệu ca tử vong mỗi năm liên quan đến sự cố y khoa - 1

Chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế. Ảnh: website Bệnh viện.

"Ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình chẩn đoán, chăm sóc, điều trị đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Bệnh viện cũng là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý, vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh khỏi và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Khi sự cố y khoa không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân, đặc biệt đối với người bệnh phải gánh chịu thêm hậu quả của các sự cố không mong muốn làm ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc bị khuyết tật tạm thời hay vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

Trên thế giới, cứ 10 người bệnh, có 1 người bệnh bị tổn hại trong khi tiếp nhận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Cứ 10 người bệnh, có tới 4 người bị tổn hại trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị ngoại trú. Hơn 1 triệu người bệnh tử vong do tai biến phẫu thuật mỗi năm và trở thành 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu trên thế giới.

Đặc biệt tại các nước có thu nhập trung bình và thấp xảy ra tới 134 triệu sự cố y khoa, trong đó gây ra 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm.

Sự cố y khoa và hành nghề y khoa không an toàn gây tổn hại cho hàng triệu người bệnh và tốn kém hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm; chiếm tới 14,3% chi phí tại bệnh viện là để điều trị hậu quả các sự cố y khoa gây ra.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã triển khai mạnh mẽ công tác bảo đảm an toàn người bệnh. Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định các điều kiện bảo đảm an toàn người bệnh như: Các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (quy định về Cấp cứu; Chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp điều trị và kê đơn thuốc; Hội chẩn; Điều trị ngoại trú; Điều trị nội trú; Hồ sơ bệnh án; Sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có điều trị nội trú; Thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa; Kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Xử lý chất thải y tế; Giải quyết đối với người bệnh không có người nhận; Giải quyết đối với người bệnh tử vong; Bắt buộc chữa bệnh; Trực khám bệnh, chữa bệnh,…); Quy định về áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; Quy định về sai sót chuyên môn kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh. 

Bộ Y tế cũng ban hành thông tư hướng dẫn thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo, phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời tập trung chỉ đạo theo 6 mục tiêu toàn cầu về an toàn người bệnh. Theo đó yêu cầu xác định chính xác người bệnh; Bảo đảm giao tiếp hiệu quả; Bảo đảm an toàn sử dụng thuốc; Bảo đảm an toàn phẫu thuật: Phẫu thuật đúng vị trí, đúng phương pháp và đúng người bệnh; Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; Giảm nguy cơ và hậu quả do ngã

Đặc biệt, Bộ Y tế Việt Nam đã tích cực tham gia trong cuộc vận động đưa ra sáng kiến Ngày An toàn người bệnh Thế giới.

Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới lần thứ nhất  nhằm nâng cao nhận thức về An toàn người bệnh trên toàn quốc, cam kết xây dựng văn hóa an toàn người bệnh, chung tay hành động để tạo nên môi trường bệnh viện cởi mở thân thiện và “không đổ lỗi”, nhằm khuyến khích sự trao đổi, học hỏi từ các sự cố và lan tỏa thông điệp của năm 2019 “Cùng nói ra vì sự An toàn của Người bệnh!”

Hồng Hải