Sốc: Bệnh nhi 8 tháng tuổi được chữa bỏng bằng lông thú
(Dân trí) - Tiếp nhận bệnh nhi 8 tháng tuổi được đưa vào bệnh viện, bác sĩ bàng hoàng khi thấy một lớp lông thú rải đều trên vết bỏng.
Ngày 6/11, theo bác sĩ Tăng Xuân Hải - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, đơn vị vừa tiếp nhận một bệnh nhi (8 tháng tuổi, quê huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào điều trị bỏng với cách sơ cứu "chưa từng thấy".
Bệnh nhi được người nhà đưa đến bệnh viện vào cuối ngày 5/11. Theo thông tin từ người nhà, bệnh nhi bị bỏng cháo nóng vào phần ngực, bụng, đùi, chân và đã được sơ cứu.
"Mở lớp băng gạc quấn quanh người cháu bé, tôi sốc khi phát hiện một lớp lông được rải đều trên vết bỏng. Người nhà bệnh nhi cho biết khi bé bị bỏng đã đưa đến nhà một thầy lang và được sơ cứu như trên. Bản thân người nhà cũng không biết đây là lông gì nhưng theo quan sát và phán đoán của chúng tôi, có thể là lông chó.
Tôi đã từng nghe một số kinh nghiệm dân gian như dùng nước mắm, bôi sữa, bôi đất... để chữa bỏng nhưng dùng lông thú như thế này thì đúng là lần đầu tiên thấy", bác sĩ Đường Hải Chi - Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho hay.
Bệnh nhi sau đó được đưa vào phòng tắm bỏng để loại bỏ hết lớp lông thú và làm sạch vết thương. Theo đánh giá, cháu bé bị bỏng độ 2, độ 3 trên diện rộng và được đưa đến khoa Hồi sức - Cấp cứu để tiếp tục xử trí vết thương, theo dõi sức khỏe.
Theo bác sĩ Đường Hải Chi, khi trẻ không may bị bỏng, đầu tiên nên rửa vết bỏng liên tục khoảng 5-10 phút dưới vòi nước sạch để làm dịu vết bỏng, sau đó nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa. Tại đây, bác sĩ sẽ sơ cứu, làm sạch vết bỏng, đánh giá độ sâu để điều trị. Việc dùng nước mắm, bôi đất hay đắp lông thú... sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng đối với trẻ.