Sở Y tế TPHCM không xác minh lời cáo buộc hai bệnh viện của bà Phương Hằng

Biên Thùy

(Dân trí) - Đại diện Sở Y tế cho hay, cơ quan này sẽ không xác minh nội dung bà Phương Hằng nói khi livestream, liên quan đến hai BV Đại học Y Dược TPHCM và BV Nhi Đồng 1.

"Tố" bệnh viện dùng quỹ mổ tim làm dịch vụ 

Mới đây, bà Nguyễn Phương Hằng, CEO Công ty Cổ phần Đại Nam (tỉnh Bình Dương) đã livestream trên mạng xã hội giải thích vì sao "mở và đóng quỹ Hằng Hữu".

Trong livestream, bà Hằng cho biết sau khi sinh con, bà mong muốn được làm thiện nguyện, giúp mổ tim cho trẻ em. 

Năm 2014, bà lập ra Quỹ Trái tim Hằng Hữu để trực tiếp giúp đỡ trẻ em nghèo, cũng như làm các hoạt động thiện nguyện khác.

Sở Y tế TPHCM không xác minh lời cáo buộc hai bệnh viện của bà Phương Hằng - 1

Bà Nguyễn Phương Hằng livestream nói về vấn đề từ thiện tại BV Đại học Y Dược TPHCM và BV Nhi Đồng 1 (Ảnh chụp màn hình).

Nơi đầu tiên được vợ chồng bà Hằng kết nối là Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM. Theo bà Hằng, tại đây, khi phát hiện bệnh nhân tim không được mổ kịp thời vì thiếu thốn trang thiết bị, bà bỏ tiền ra mua máy thở, dụng cụ y tế để BV cứu sống bệnh nhân, giúp sửa chữa lại BV.

Khi BV khánh thành khu mới, bà Hằng "tố" BV mang tất cả dụng cụ do quỹ Hằng Hữu tài trợ để làm dịch vụ kiếm tiền. Thậm chí BV mổ tim dịch vụ cho trẻ em, nhiều ca thu đến 400-500 triệu đồng - bà Phương Hằng nói và cho biết vì quá "đau lòng" nên đã cắt tài trợ.

Tuy nhiên khi chuyển qua BV Nhi Đồng 1, bà Hằng lại cho rằng nơi này cũng không rõ ràng tiền bạc và không giải trình được cho bà vì sao một số hồ sơ bệnh nhân lại giống nhau. Cái kết của sự việc này là bà đã rời đi, chuyển qua ký hợp đồng tài trợ với 3 BV khác.

Hai bệnh viện bị bà Phương Hằng nhắc tên nói gì?

Chiều 22/11, PV Dân trí đã liên hệ hai BV bị bà Nguyễn Phương Hằng nhắc tên khi livestream.

Đại diện BV Đại học Y Dược TPHCM cho biết, BV đã nắm được thông tin trên và đang họp nội bộ trước khi phản hồi chi tiết.

Dù vậy, phía BV khẳng định, nơi này không trục lợi tiền từ quỹ mổ tim. Mọi khoản chi cho các ca mổ đều phải được phía bà Hằng duyệt trước khi thực hiện. Một ca mổ tim cho trẻ thường bao gồm chi phí được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định, phía người nhà bệnh nhân chi trả một phần theo khả năng, và phần còn lại còn thiếu thì quỹ Hằng Hữu mới đóng góp.

Còn đại diện BV Nhi Đồng 1 thông tin, ca mổ tim cuối cùng có liên quan đến Quỹ Trái tim Hằng Hữu mà nơi này thực hiện từ tháng 9/2020. Sau đó, đại diện quỹ Hằng Hữu có liên hệ ngỏ ý muốn hỗ trợ tiếp, tuy nhiên vì đang trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, BV chưa tiến hành trở lại.

Sở Y tế TPHCM không xác minh lời cáo buộc hai bệnh viện của bà Phương Hằng - 2

Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Cũng theo lãnh đạo BV Nhi Đồng 1, quỹ Hằng Hữu của bà Nguyễn Phương Hằng đã làm việc với BV từ năm 2016, hỗ trợ cho tổng cộng hơn 360 ca mổ tim. Tất cả ca mổ từ thiện trước khi thực hiện đều phải được phía Quỹ này duyệt trước, và chi phí do phía bà Hằng hỗ trợ mỗi ca không quá 20 triệu đồng.

Ca nào dư tiền BV sẽ trả lại Quỹ, còn trên 20 triệu đồng thì BV sẽ tìm cách liên hệ với mạnh thường quân khác để bù vào.

BV cho biết, để được quỹ Hằng Hữu duyệt chi phải qua 9 bước thủ tục, như có giấy xác nhận hoàn cảnh từ địa phương, chụp hình ảnh bệnh nhân, cung cấp chẩn đoán… Ngoài sự giúp đỡ của Quỹ trên, BV cũng nhận được nhiều hỗ trợ âm thầm từ các mạnh thường quân khác.

Đại diện BV Nhi Đồng 1 cho biết thêm, từ trước năm 2000, nơi này đã thực hiện được kỹ thuật mổ tim và đến nay đã mổ cho hàng ngàn trẻ. BV khẳng định mọi thủ tục làm việc với Quỹ Trái tim Hằng Hữu đều rất chặt chẽ, nên không có chuyện nhập nhằng hay vấn đề trục lợi khi mổ tim từ thiện.

Chiều cùng ngày, trả lời PV, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết chưa nắm được cụ thể sự việc trên. Tuy nhiên qua thông tin Dân trí cung cấp, người phát ngôn của Sở Y tế khẳng định, sẽ không xác minh chuyện hai BV Đại học Y Dược TPHCM và BV Nhi Đồng 1 có khuất tất gì trong vấn đề mổ tim cho trẻ hay không.

Việc xác minh chỉ được cơ quan chức năng thực hiện khi cá nhân cảm thấy quyền lợi bị xâm phạm, có phản ánh qua đường dây nóng hoặc gửi công văn, đơn phản ánh lên Sở Y tế. Còn hiện tại, chỉ dựa vào những lời nói trên mạng của một cá nhân thì không có căn cứ.