1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sở Y tế TPHCM "khá vất vả” trong quản lý phòng khám Trung Quốc

(Dân trí) - Chiếm chỉ hơn 0,1% cơ sở y tế tư nhân nhưng hầu như mọi bê bối vẽ bệnh, hù dọa, móc túi người bệnh... đều tập trung vào đây. Thanh tra Sở Y tế một mặt khẳng định đã xử lý nghiêm, mặt khác lại than “khá vất vả” trong giám sát các phòng khám Trung Quốc.

Thời gian qua, hàng loạt vụ việc tiêu cực lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng phương thức dụ người bệnh thông qua quảng cáo chữa bệnh như “thần thánh” nhưng khi bệnh nhân “sập bẫy” thì giở trò vẽ bệnh, hù dọa, chiếm đoạt tài sản tại các phòng khám có yếu tố Trung Quốc đã liên tiếp "lên báo".

Trước sức ép của dư luận về hoài nghi cơ quan trực tiếp quản lý đối với các cơ sở trên là Sở Y tế có sự tiếp tay, vô trách nhiệm trong công tác quản lý, ngày 30/10, Sở Y tế đã có nội dung trả lời báo chí về những vấn đề liên quan.

Các phòng khám Trung Quốc cố tình phạm luật nhưng ngành Y tế chưa có thuốc chữa
Các phòng khám Trung Quốc cố tình phạm luật nhưng ngành Y tế chưa có "thuốc chữa"

Người phát ngôn về vấn đề này của Sở Y tế là TS.BS. Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y Tế, cho biết, trên địa bàn TPHCM có 17 phòng khám đa khoa có bác sĩ mang quốc tịch Trung Quốc đang thàm gia hành nghề. Tất cả các bác sĩ Trung Quốc đều có chứng chỉ hành nghề do BYT Việt Nam cấp, không có bác sĩ người Trung Quốc nào đứng tên chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật tại phòng khám.

Các phòng khám có yếu tố Trung Quốc đều do người Việt Nam làm chủ đầu tư và bác sĩ trong nước đứng tên chịu trách nhiệm ban đầu, sau đó đăng ký cho bác sĩ Trung Quốc hành nghề.

Sau hàng loạt bê bối đã xảy ra, ông Minh Trạng cho biết 2 vấn đề bị bệnh nhân phản ánh nhiều nhất tại các phòng khám có yếu tố Trung Quốc là giá khám chữa bệnh quá cao và “vẽ bệnh”.

Tuy nhiên, theo Chánh thanh tra Sở Y tế thì việc xử lý các vi phạm theo tố cáo của người bệnh đối với các phòng khám là vấn đề nan giải: “Một số phòng khám đã tinh vi hơn trong việc đối phó với cơ quan quản lý, khi đi kiểm tra (kể cả cùng đoàn Bộ Y tế) thì các cơ sở này đều niêm yết công khai giá và khi thực hiện thủ thuật cho bệnh nhân thì đều được bệnh nhân ký tên đồng ý nên Thanh tra không thể nào xác lập được vi phạm vì họ đã công khai giá với sự đồng ý của bệnh nhân”.

Đối với vấn đề “vẽ bệnh” (bệnh nhân không có bệnh nhưng được chẩn đoán có bệnh) ông Minh Trạng cho rằng, thanh tra không thể kết luận được khi có sự chẩn đoán khác nhau giữa các cơ sở. Muốn kết luận phải trưng cầu hội đồng chuyên môn kết luận. Thực tế không một bệnh nhân nào đồng ý và phối hợp với thanh tra Sở tiến hành giám định vì sau khi PK biết được danh tính người bệnh đã tiến hành thỏa thuận trả lại tiền và người bệnh cũng sẵn sàng thỏa hiệp.

Cũng theo thông tin từ Thanh tra Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với 17 phòng khám Trung Quốc với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng. Trong khi dư luận cho rằng mức phạt trên chẳng khác nào “phủi bụi” cho phòng khám bởi mỗi lần một người bệnh bị móc túi thì số tiền đã lên tới hàng chục triệu đồng thì Sở Y tế lại khẳng định mức xử lý trên là rất nghiêm khắc.

Theo ông Bùi Minh Trạng: “Thành phố có hơn 14.000 cơ sở y tế tư nhân mà hàng năm chỉ xử lý tổng cộng khoảng 10 tỷ đồng, trong khi có 17 cơ sở đã bị phạt tới 800 triệu đồng, điều đó cho thấy mức độ vi phạm và mức độ xử lý của Sở Y tế là rất nghiêm khắc... nhưng phải theo đúng quy định pháp luật. Chúng tôi theo dõi, giám sát liên tục và khá vất vả với mấy cơ sở này”.

“Chúng tôi đang đề xuất siết chặt danh mục kỹ thuật (nhất là những kỹ thuật hay bị phản ánh như: trĩ, cắt bao quy đầu, yếu sinh lý, nhiễm trùng niệu, viêm nhiễm sinh dục nữ, phá thai…) yêu cầu báo cáo hàng tuần các ca thực hiện thủ thuật này cùng tên tuổi bác sĩ thực hiện nếu cần thiết phòng khám sẽ buộc phải tạm ngưng các kỹ thuật bị phản ánh nhiều”.

Vân Sơn (lược ghi)