Siêu âm phát hiện polyp trong túi mật: Có nguy cơ ung thư?

Minh Nhật

(Dân trí) - Polyp túi mật thường được phát hiện một cách tình cờ bằng siêu âm, khi người bệnh đi kiểm tra các bệnh lý khác.

Polyp túi mật có nguy hiểm?

Theo Hội Gan Mật Việt Nam, polyp túi mật là những thương tổn dạng u hoặc giả u nhô lên trên bề mặt niêm mạc của túi mật. Bệnh này gần đây hay gặp hơn, chiếm từ 5-15% trong số bệnh nhân mổ cắt túi mật. Polyp túi mật đại đa số là lành tính (trên 90%) và có tỷ lệ nhỏ (<10%) là ác tính. Polyp túi mật có thể gây viêm túi mật, tạo điều kiện gây sỏi mật và có thể tiến triển ung thư hóa (nhất là ở các bệnh nhân lớn tuổi, polyp đơn độc và có kích thước lớn).

Siêu âm phát hiện polyp trong túi mật: Có nguy cơ ung thư? - 1

Số lượng và kích thước polyp cũng khá đa dạng, phổ biến nhất là dạng polyp đơn độc kích thước dưới 10 mm. Những trường hợp đa polyp (nhiều hơn 2 polyp) hiếm gặp hơn.

Triệu chứng bệnh có thể thấy đau tức nhẹ vùng dưới gan, đầy bụng, khó tiêu và chủ yếu phát hiện tình cờ qua siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính. Phẫu thuật cắt túi mật đặt ra khi có một trong số các yếu tố sau: polyp có triệu chứng, có nhiều polyp hoặc kích thước của polyp lớn (trên 10mm) và các bệnh nhân trên 50 tuổi. Với những trường hợp polyp túi mật có biến chứng viêm túi mật cấp hoặc ung thư hóa cần được phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Các trường hợp polyp túi mật không có triệu chứng cần được theo dõi tiến triển trong thời gian từ 3-6 tháng, nếu thấy polyp to nhanh hoặc thành túi mật dày lên thì nên đến mổ cắt bỏ túi mật. Mổ nội soi cắt túi mật là tiêu chuẩn vàng và mang lại nhiều ưu điểm như nhanh hồi phục sau mổ, ít đau, ít biến chứng và tính thẩm mỹ cao.

Lưu ý trong chế độ ăn khi mắc polyp túi mật

Phần lớn polyp được cấu thành do sự dư thừa hoặc rối loạn chuyển hóa cholesterol trong túi mật. Vì thế, một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ít chất béo, ít cholesterol sẽ góp phần cải thiện và hạn chế được những biến chứng do polyp gây ra.

Những thực phẩm nên hạn chế:

- Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật, thức ăn chiên xào, rán, thức ăn nhanh,… Thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao như lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật, phô mai…

- Thực phẩm chứa nhiều đường hóa học, tinh bột tinh chế như các loại bánh quy, bánh ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp.

Những thực phẩm nên ăn nhiều:

- Hoa quả giàu vitamin (B, C, D, E), chất khoáng như các loại quả họ cam, táo, lê… giúp tăng cường sức khỏe gan mật, hạn chế nguy cơ hình thành và phát triển polyp.

- Rau xanh, củ quả giàu chất xơ như su hào, cải bắp, cà rốt… sẽ giúp hạn chế sự hấp thu chất béo tại ruột, đồng thời góp phần giúp sự vận động ở đường tiêu hóa tốt hơn, hạn chế các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu.

- Các loại chất béo có nguồn gốc thực vật như dầu olive, hạnh nhân, hướng dương… rất tốt cho sức khỏe, có thể giúp ngăn ngừa polyp. Lựa chọn các loại sữa ít chất béo và đường để tránh gây khó tiêu.

Sự phát triển polyp túi mật ở mỗi người là không giống nhau, do đó, khi đã được chẩn đoán bệnh, bạn cần phải hiểu rõ những thông tin cơ bản về bệnh. Đồng thời cần kết hợp cùng chế độ ăn khoa học, giải pháp hỗ trợ phù hợp và siêu âm kích thước thường xuyên để tầm soát sớm nguy cơ ung thư.