Sẽ ứng dụng liệu pháp tế bào điều trị ung thư máu

Hồng Hải

(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào Gốc và Công nghệ Gen Vinmec cho biết, dự kiến đầu năm 2023 sẽ ứng dụng liệu pháp tế bào điều trị cho bệnh nhân ung thư máu đầu tiên.

Chia sẻ bên lề Hội nghị khoa học quốc tế Liệu pháp Tế bào và Gen lần thứ 5, với chủ đề "Trị liệu Tế bào: Kỷ nguyên mới của y học" diễn ra trong 2 ngày 27-28/10 tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, việc ứng dụng liệu pháp tế bào, tế bào gốc trong điều trị đang trở thành một xu hướng mới, ứng dụng trong nhiều bệnh lý từ ung thư, thần kinh...

Nói về việc ứng dụng liệu pháp tế bào trong điều trị ung thư, GS Liêm cho biết, đây là một xu hướng mới trên thế giới, góp phần nâng hiệu quả điều trị, kéo dài sự sống cho người bệnh ung thư. 

Sẽ ứng dụng liệu pháp tế bào điều trị ung thư máu - 1

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm đánh giá, việc ứng dụng liệu pháp tế bào trong điều trị ung thư dần trở thành một xu hướng mới (Ảnh: H.Hải).

"Bản thân trong cơ thể chúng ta đã có các tế bào miễn dịch, nhưng các tế bào ung thư rất thông minh, nó có cơ chế lẩn trốn, nên tế bào T trong cơ thể không tìm diệt được tế bào ung thư. Giờ người ta tìm cách gắn vào tế bào T này bộ phận giống như nam châm, để khi phát hiện tế bào ung thư nó sẽ tìm đến, tiêu diệt", GS Liêm giải thích.

Ông cũng thông tin thêm, liệu pháp tế bào điều trị ung thư đã có một số nước trên thế giới. Hiện Việt Nam bắt đầu tiếp cận, Vinmec đã có dự án nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc, trang thiết bị.

"Dự kiến tháng 12 tới, chúng tôi bắt đầu triển khai dự án. Tiếp đó dành khoảng 2 tháng cho việc đào tạo nhân lực, dự kiến đến cuối tháng 3, đầu tháng 4/2023  sẽ ứng dụng điều trị bệnh nhân đầu tiên là bệnh nhân ung thư máu. Chúng tôi chọn bệnh ung thư máu, bởi đến nay, các nghiên cứu ở các nước đang thực hiện điều trị ung thư máu mang lại hiệu quả tốt", GS Liêm cho biết.

Về việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh, Bộ Y tế đã cấp phép điều trị cho 4 bệnh gồm: thoái hóa khớp gối, xơ gan, teo đường mật, chấn thương cột sống.

"Còn trong điều trị bại não, tự kỉ bằng tế bào gốc, hiện chưa được cấp phép. Với bệnh bại não, chúng tôi đã xong bước 1 với 30 bệnh nhân đầu tiên. Sau khi báo cáo, Bộ Y tế đề xuất mở rộng thêm 50 bệnh nhân tiếp theo và chúng tôi cũng đã triển khai. Đánh giá hiệu quả chung cho thấy 80% bệnh nhân có biến chuyển", GS Liêm thông tin.

Tại Hội nghị, GS Liêm chia sẻ trường hợp bé gái 5 tuổi bị bại não, gần như sống thực vật khi mất hết ý thức, không còn vận động nhưng đã hồi phục kì diệu sau 3 lần ghép tế bào gốc. Hiện tại, bệnh nhi đã lại được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Cho đến nay 3 bệnh nhân bị di chứng thần kinh, tâm thần nặng nề sau viêm não tự miễn đã được điều trị thành công bằng tế bào gốc.

Còn với bệnh tự kỉ, đã có 30 trường hợp bệnh nhân được ghép tế bào gốc. Hiện đang tiếp tục triển khai trên 58 bệnh nhân cho 2 nhóm.

GS Liêm cũng nhìn nhận, vấn đề cấp phép hay không cấp phép là vấn đề khó. Trên thế giới, những nước ứng dụng điều trị bại não, tự kỉ bằng tế bào gốc chính thống thì ít, nhưng vẫn rất nhiều quốc gia khác thực hiện.

Ông chia sẻ câu chuyện mới đây, khi ông nhận được câu hỏi nhờ tư vấn của nhóm gia đình người Việt có 6 trẻ, gồm 3 trẻ bại não, 3 trẻ tử kỉ quyết định đi Thái Lan với ước nguyện "còn nước còn tát", liệu trình điều trị tế bào gốc là 1,2 tỷ một bé, trong khi ở Việt Nam, chi phí này khoảng 200 triệu.

"Ở nhóm 30 bệnh nhân đầu tiên, đáp ứng ở các mức độ khác nhau, nhưng có đến 90% có thay đổi, tiến bộ, đặc biệt nhận thức, hiểu lời, tình trạng tăng động cũng giảm. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh câu chuyện song hành cùng phục hồi chức năng, giáo dục. Hai phương pháp này quan trọng nhưng không thay đổi được bản chất là các rối loạn trong não. Tế bào gốc có thể thay đổi bất thường này, kết hợp với phục hồi chức năng, giáo dục trẻ", GS Liêm nói.

Theo GS Liêm, hội nghị lần này đã thu hút hơn 500 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ và các diễn giả uy tín từ các quốc gia tiên phong trong lĩnh vực tế bào gốc, tế bào miễn dịch khắp thế giới. Nhiều diễn giả đã trình bày báo cáo quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn trong điều trị các bệnh tự miễn, các bệnh lý thần kinh, bệnh hô hấp, cơ xương khớp, tim mạch; ứng dụng của thể tiết tế bào trong y sinh học. Như chủ đề Công nghệ ghép tế bào gốc tạo máu  điều trị bệnh viêm tủy thị thần kinh (NMO) của GS.TS. Richard K Burt - Giảng viên Đại học Northwestern (Chicago, Mỹ), và ng dụng của tế bào gốc vạn năng (iPSC) điều trị bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (ALS) của GS.TS.BS Hideyuki Okano - Chủ nhiệm Khoa Sinh lý học Trường Đại học Y khoa Keio.

Các chủ đề mang tính ứng dụng thực tiễn cao trong trị liệu tế bào, ứng dụng trong nhiều chuyên khoa như thần kinh, xương khớp nhằm mở ra hướng điều trị các bệnh thần kinh phổ biến vốn chưa có thuốc chữa như Parkinson và các ca bệnh khó liên quan đến tủy sống... cũng được các chuyên gia chia sẻ. Đồng thời, các chuyên gia đã trình bày kết quả điều trị thực tiễn trong lĩnh vực xương khớp, đột quỵ, chấn thương sọ não, xơ gan, loạn sản phế quản phổi bằng liệu pháp tế bào thông qua những công trình nghiên cứu đã và đang triển khai trên thế giới.

Sẽ ứng dụng liệu pháp tế bào điều trị ung thư máu - 2

GS.TS Richard K Burt - Giảng viên Đại học Northwestern (Chicago, Mỹ) trình bày về Công nghệ ghép tế bào gốc điều trị bệnh viêm tủy thị thần kinh (NMO).

GS Richard K Burt - Giảng viên Đại học Northwestern chia sẻ, ông đánh giá cao các nỗ lực của Vinmec trong việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu, bài bản với các quy trình, công nghệ chuẩn quốc tế, ứng dụng có hiệu quả tích cực với các bệnh lý như thần kinh, tự kỷ và ung thư.

"Tôi tin rằng với những nỗ lực này, Vinmec nói riêng và y học Việt Nam nói chung có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển xa hơn nữa trong lĩnh vực tế bào gốc và công nghệ gen trong tương lai", GS Richard K Burt nói.

Theo GS Liêm, chủ đề Hội nghị thể hiện sự khẳng định vai trò của y học tái tạo và tế bào gốc trong việc khai phá những giới hạn mới của nền y học. Thực tế cho thấy, có rất nhiều bệnh trước đây chưa có phương pháp điều trị nhưng với việc ứng dụng liệu pháp tế bào, bệnh nhân có thể được chữa khỏi hoặc cải thiện tình trạng bệnh.