Sẽ nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

(Dân trí) - Đến nay đã có 46 vùng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) trên phạm vi 45 huyện với 173 xã và tổng số hộ chăn nuôi tham gia vào nhóm GAHP là 11.201 tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nhằm tăng cường năng lực cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và hỗ trợ chăn nuôi theo hướng an toàn hơn, Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) được thực hiện từ tháng 3/2010 đến 31/12/2015. 

Dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ có tổng số vốn là 79,03 triệu USD, được thực hiện trên 12 tỉnh, thành phố gồm: Cao Bằng, hà nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, và TPHCM.

Chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học (Ảnh minh họa)
Chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại Hội thảo “Tổng kết hoạt động triển khai thực hành chăn nuôi lợn, gà an toàn trong nông hộ” khai mạc sáng 03/6, tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Anh Tuấn, Phó Giám đốc Dự án LIFSAP, cho biết: Sau hơn 4 năm thực hiện dự án, đến nay dự án đã hỗ trợ 529 hộ hình mẫu nâng cấp chuồng trại an toàn sinh học, trên 6.500 hộ chăn nuôi nâng cấp chuồng trại, gần 7.000 hộ được hỗ trợ trang thiết bị chăn nuôi, hỗ trợ trang thiết bị an toàn sinh học cho gần 9.900 hộ.

Dự án cũng đã hỗ trợ cho hơn 10.000 hộ chăn nuôi cải thiện điều kiện môi trường, thông qua việc hỗ trợ xây dựng gần 9.000 bình biogas. Tỷ lệ hộ chăn nuôi được hỗ trợ cải thiện môi trường của dự án là gần 94%, vượt xa mức 70% mức dự án đặt ra đến năm 2014.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), dự án đã giúp giảm thiểu tác động môi trường trong chăn nuôi, nâng cao chất lượng VSATTP, hỗ trợ đào tạo cho các hộ chăn nuôi về quy trình chăn nuôi VietGAP, tăng cường khả năng cạnh tranh cho hộ chăn nuôi nhỏ và giảm giá thành sản phẩm, thúc đẩy chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học…

“Trong giai đoạn bắt đầu dự án vẫn phát hiện 2 chất cấm là Salbutamol, Clenbuterol trong sản phẩm thịt. Tuy nhiên tỷ lệ này đã giảm dần sau 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng và đến nay thì không còn phát hiện 2 chất này nữa”, ông Anh nói.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án, tăng cường tính bền vững của các mô hình, Ban quản lý Dự án đề nghị Cục chăn nuôi phối hợp với dự án, các cục, vụ liên quan trong Bộ chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện 2 quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn, gà an toàn trong nông hộ và quy trình đánh giá cấp giấy chứng nhận sản phẩm chăn nuôi theo quy trình VietGAP nông hộ.

Sau khi 2 quy tình này được các bên liên quan chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện, sẽ được đề xuất lên Bộ NN&PTNT xem xét, phê duyệt để thực hiện trên phạm vi cả nước.

Nguyên An