Sẽ không còn cảnh mua dao mổ cùn, rạch da 3 lần mới đứt?

Nam Phương

(Dân trí) - Bộ Y tế vừa ban hành thông tư 14 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Thông tư nhằm tháo gỡ khó khăn, "nút thắt", điểm nghẽn trong mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là xây dựng giá gói thầu. Thông tư này được xây dựng theo trình tự thủ tục rút gọn nhằm khắc phục triệt để các khó khăn. 

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, thông tư này đã bao gồm cả việc mua sắm mới trang thiết bị y tế cũng như mua sắm linh kiện, phụ kiện thay thế, dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định… 

Sẽ không còn cảnh mua dao mổ cùn, rạch da 3 lần mới đứt? - 1

Trước đó, tại nhiều bệnh viện máy móc cao cấp bị hỏng nhưng hiện khó sửa chữa vì quy định trong luật (Ảnh minh họa: BV).

Các đơn vị xác định giá gói thầu theo một trong các phương pháp sau đây:

Thứ nhất, thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế cung cấp.

Thứ 2, khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự. 

Thứ 3, kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá. 

Thông tư này cũng quy định phương pháp được sử dụng đầu tiên là phương pháp thu thập báo giá của các nhà cung cấp. 

Trường hợp sử dụng từ 2 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên, chủ đầu tư có thể lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn.

Theo Bộ Y tế, điều này sẽ khắc phục được tình trạng các cơ sở y tế phải mua trang thiết bị rẻ nhất nhưng không đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh.

Khi xây dựng giá gói thầu, chủ đầu tư quyết định việc thành lập hội đồng hoặc đề nghị sở y tế hỗ trợ thành lập hội đồng để lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản trên cơ sở yêu cầu về chuyên môn. Từ đó, đăng tải yêu cầu báo giá trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên Cổng thông tin điện tử…

Trong thời gian tối thiểu 10 ngày, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được (kể cả trường hợp chỉ nhận được 1 hoặc 2 báo giá) và quyết định giá gói thầu.

Trường hợp trên thị trường Việt Nam chỉ có 1 hoặc 2 nhà cung cấp hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền hoặc cần triển khai ngay, chủ đầu tư được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.

Đối với phương pháp xây dựng giá gói thầu theo kết quả khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự, thời gian tối đa không quá 120 ngày tính từ ngày trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Với phương pháp xây dựng giá theo kết quả thẩm định giá, chủ đầu tư lựa chọn đơn vị thẩm định giá, được sử dụng kết quả do cơ quan thẩm định giá cung cấp để xây dựng giá gói thầu. Đồng thời, đơn vị không phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá do đơn vị thẩm định giá cung cấp.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/7 đến hết năm nay.  

Theo Bộ Y tế, thông tư tạo hành lang pháp lý, khắc phục được các khó khăn vướng mắc, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong từng nội dung thực hiện. 

Vì thế, các đơn vị yên tâm, chủ động, tích cực triển khai thực hiện, giúp cơ sở y tế công lập mua sắm được trang thiết bị y tế, vật tư thay thế… phù hợp với yêu cầu chuyên môn, bảo đảm vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả thiết bị y tế của cơ sở y tế. 

Trước đó, vào tháng 8 năm ngoái, câu chuyện về mua sắm trang thiết bị y tế được BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) chia sẻ đã gây xôn xao dư luận. 

Theo đó, một bác sĩ ngoại đến gặp ông và tỏ ra rất bức xúc vì trước đây sử dụng dao mổ giá tốt chỉ rạch một đường mổ, giờ trúng thầu dao mổ giá rẻ phải rạch 3 lần thì da mới đứt. 

Đây là một trong những bất cập trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế khi đó. Lý do, quy định giá mua sắm phải là giá thấp nhất chứ không phải giá hợp lý nhất dựa trên nhu cầu điều trị thực tế của từng cơ sở y tế, chuyên khoa, hạng bệnh viện.