1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sẽ cho phép kê toa thực phẩm chức năng

(Dân trí) – Thị trường thực phẩm chức năng “bùng nổ” nhưng quy định cấm bác sĩ kê đơn, tư vấn khiến người tiêu dùng “mù” thông tin dẫn đến sử dụng không hiệu quả hoặc “tiền mất tật mang”. Bộ Y tế cho biết sẽ ban hành thông tư cho phép kê toa thực phẩm chức năng.

Theo thông tin từ Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (bộ Y tế) thị trường thực phẩm chức năng đã bắt đầu phát triển tại Việt Nam trong 12 năm trở lại đây, hiện có 10.000 sản phẩm được công bố trong đó 40% sản phẩm nhập khẩu. Tính đến năm 2012 trong nước có khoảng 18.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất thực phẩm chức năng. Các mặt hàng thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường với rất nhiều kênh phân phối.

Thị trường thực phẩm chức năng đang là ma trận đối với người tiêu dùng
Thị trường thực phẩm chức năng đang là "ma trận" đối với người tiêu dùng

Theo phân tích của PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học trong Hội thảo “Thực phẩm chức năng: vai trò dự phòng, thực trạng quản lý và định hướng” (diễn ra ngày 30/11 tại TPHCM): “Thị trường thực phẩm chức năng bùng phát là do sự gia tăng của các bệnh xã hội công nghiệp và ô nhiễm môi trường; người tiêu dùng đang hướng đến một lối sống lành mạnh, quan tâm hơn đến các sản phẩm thiên nhiên và các biện pháp phòng bệnh”.

Trước sự “bùng nổ” của mặt hàng mới này, Bộ Y tế đã ra 3 văn bản hướng dẫn quản lý các sản phẩm thuốc - thực phẩm. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển của thị trường đã bỏ xa những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cơ chế quản lý chưa chặt chẽ đang tạo khe hở cho nhiều sai phạm về chất lượng, quảng cáo, nhãn mác, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm… tồn tại. Tháng 10 năm 2013, Bộ Y tế tiến hành thanh kiểm tra 95 cơ sở thì phát hiện tới 48 cơ sở vi phạm.

Trên thực tế, người tiêu dùng đang bị ma trận thực phẩm chức năng bủa vây nhưng lại “mù” thông tin về các mặt hàng này. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch, tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Đứng trước 10.000 sản phẩm người tiêu dùng đang băn khoăn thậm chí lo lắng vì không biết bản chất thực phẩm chức năng là gì; chất lượng có tốt như quảng cáo; giá bán có phản ánh đúng giá trị sản phẩm… Hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng vẫn hiểu chưa đúng về thực phẩm chức năng, việc sử dụng còn tùy tiện, thiếu tư vấn hướng dẫn của cán bộ y tế”.

Bộ Y tế sẽ cho phép kê toa thực phẩm chức năng
Bộ Y tế sẽ cho phép kê toa thực phẩm chức năng

Tình trạng trên xuất phát từ việc thời gian qua Bộ Y tế không cho phép bác sĩ tư vấn, kê toa thực phẩm chức năng vào đơn thuốc. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Không kê đơn thì người dân không tin mà cho phép bác sĩ kê đơn thì thứ nhất, bác sĩ sẽ lạm dụng; thứ hai, không biết thực chất loại bệnh người dân mắc phải có nên dùng sản phẩm được kê đơn hay không; thứ ba, bảo hiểm y tế không chấp nhận thanh toán hoặc người dân phàn nàn Bộ Y tế cho kê đơn để tận thu”.

Tuy nhiên, nếu cấm bác sĩ tư vấn và kê toa thì người bệnh sẽ không biết mình nên sử dụng loại thực phẩm nào để hỗ trợ cho quá trình điều trị được hiệu quả nhất. Chính vì thế, Bộ Y tế đã nhận được nhiều ý kiến đề nghị “mở cửa” để bác sĩ kê toa thực phẩm chức năng để hướng dẫn thông tin về công dụng của từng sản phẩm cho bệnh nhân đồng thời tăng cường quản lý chất lượng mặt hàng này.

Liên quan đến vấn đề trên PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Vấn đề kê đơn thực phẩm chức năng, Bộ Y tế đã bàn thảo nhiều lần với Hiệp hội thực phẩm chức năng, các nhà sản xuất, hiệp hội người tiêu dùng và khối cận lâm sàng, Bộ y tế đã dự thảo thông tư và chuẩn bị ban hành. Trong dự thảo sẽ cho phép kê đơn nhưng đơn đó sẽ ghi rõ đơn thực phẩm chức năng để tránh lạm dụng. Thông tư cũng quy định đối tượng được phép kê đơn phải là bác sĩ, cán bộ dinh dưỡng có chuyên môn, đã qua tập huấn. Cho phép kê đơn thực phẩm chức năng sẽ là giải pháp để tránh tình trạng người dân đồn thổi truyền tai nhau dẫn tới sử dụng thực phẩm chức năng không đúng”.

Vân Sơn