Sẽ “bắt tay” liên bộ để quản giá thuốc

(Dân trí) - Về quản lý giá thuốc, Luật Dược hiện hành chỉ giao Bộ Y tế làm đầu mối nên việc quản giá thuốc rất khó khăn. Trong dự thảo Luật Dược sửa đổi, Bộ Y tế vẫn có trách nhiệm hàng đầu nhưng sẽ phối hợp với liên bộ, ngành để thực hiện nhiệm vụ này.

Đó là một trong những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Dược sửa đổi đang được đưa ra thảo luận, để hình thành Luật Dược (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội trong tháng 11 tới đây.

Thuốc sản xuất trong nước sẽ được ưu tiên hàng đầu
Thuốc sản xuất trong nước sẽ được ưu tiên hàng đầu

Theo Bộ Y tế, sau 10 năm thi hành, Luật Dược đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm quyền của người dân được tiếp cận và sử dụng thuốc có chất lượng, giá hợp lý. Việt Nam đã sản xuất được 11/12 loại vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Sản xuất trong nước đạt tỷ lệ tăng trưởng bình quân trung bình trên 15% với nhiều thuốc công nghệ cao như thuốc đông khô, thuốc công nghệ sinh học, thuốc generic tương đương sinh học so với thuốc phát minh... Giá thuốc được kiềm chế ổn định, chất lượng thuốc ngày càng đảm bảo...

Tuy nhiên, đến nay Luật Dược 2005 đã bộc lộ một số vướng mắc do một số quy định không còn phù hợp với giai đoạn mới, không còn đồng bộ với các luật mới ban hành. Vì thế, dự thảo Luật Dược (sửa đổi) đang được xây dựng để phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế:

Sẽ “bắt tay” liên bộ để quản giá thuốc

Luật Dược hiện hành chỉ giao Bộ Y tế làm đầu mối mà không phân công nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành trong quản lý giá thuốc nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Trong Luật Dược sửa đổi, Bộ Y tế vẫn có trách nhiệm chính trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc và trách nhiệm này được phân công cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan.

Kê khai giá thuốc không phải “tham khảo” các nước cùng điều kiện

Luật hiện hành quy định việc kê khai và kê khai lại giá thuốc phải “bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam”. Hơn nữa việc tham khảo giá thuốc tại các nước cũng không có ý nghĩa đối với những mặt hàng cung ứng cho thị trường trong nước.

Vì thế, dự thảo Luật không quy định tham khảo giá thuốc tại các nước có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam và không quy định công bố giá tối đa đối với thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả do việc đưa ra tiêu chí các nước có điều kiện y tế tương tự Việt Nam và xây dựng giá thuốc tối đa là không khả thi.

Trước đó, việc định kỳ công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và BHYT chi trả chưa thực hiện được vì giá thuốc tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường nguyên liệu, giá thuốc quốc tế thường xuyên thay đổi. Hơn nữa, số lượng thuốc sản xuất, lưu hành tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 25.000 mặt hàng, với gần 1.000 hoạt chất với nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, dạng bào chế, nhà sản xuất khác nhau nên việc xác định mức giá tối đa cho tất cả các mặt hàng là không khả thi.

Mặt khác, một hoạt chất có nhiều thuốc nên rất khó xây dựng giá tối đa. Nếu công bố giá tối đa theo giá thuốc thấp nhất thì các thuốc cùng hoạt chất giá cao hơn sẽ không được cung ứng dẫn đến việc thiếu thuốc. Nhưng nếu công bố giá tối đa của thuốc theo giá cao nhất thì các thuốc cùng hoạt chất có giá thấp sẽ tăng theo.

Với Luật Dược sửa đổi sẽ quy định việc quản lý giá thuốc với các biện pháp quản lý cụ thể, thống nhất với Luật giá, Luật đấu thầu và các văn bản khác có liên quan, trong đó điểm mới cơ bản là quy định việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định của Luật giá đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc thiết yếu khi có biến động bất thường về giá hoặc mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế - xã hội.

Ưu tiên thuốc sản xuất trong nước

Dự thảo Luật tập trung ưu tiên, nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam nhằm phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; ưu tiên sản xuất thuốc vừa mới hết hạn bằng sáng chế hoặc các độc quyền có liên quan, vắc xin, sinh phẩm...

Đặc biệt, dự thảo Luật quy định rõ chính sách ưu tiên đối với thuốc sản xuất trong nước nhằm bảo đảm thuốc trong nước dần có thể thay thế được các thuốc nhập khẩu có cùng tiêu chí kỹ thuật.

Theo đó, với thuốc mua từ nguồn vốn nhà nước, quỹ BHYT nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập sẽ không chào thầu thuốc nhập khẩu có cùng nhóm tiêu chí kỹ thuật với thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp.

Sẽ ưu tiên đăng ký thuốc generic, ưu tiên đàm phán giá các thuốc generic sản xuất trong nước; đưa vào Luật các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển công nghiệp dược để được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư.

Đối với dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, dự thảo Luật bổ sung chính sách kết hợp đầu tư ngân sách với huy động các nguồn lực khác cho phát triển, nuôi trồng dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; Định hướng sản xuất dược liệu quy mô công nghiệp; phát triển vùng nuôi trồng cây thuốc, động vật làm thuốc, bảo tồn nguồn gen và các loại dược liệu quý hiếm; Ưu tiên mua thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước tuân thủ nguyên tắc thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu.

Ngoài các điểm nổi bật nói trên, công tác dược lâm sàng, quy định về thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, quy định về chứng chỉ hành nghề dược… cũng là những điểm mới trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi). Đây là những sửa đổi phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân khi được tiếp cận và sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn, chất lượng, giá hợp lý.

Tú Anh