(Dân trí) - Bạo lực học đường để lại những hậu quả đặc biệt nặng nề về thể chất, tinh thần và tương lai của đứa trẻ. Hậu quả của những tổn thương về lâu về dài khó có thể đánh giá hết được.
Bạo lực học đường để lại những hậu quả đặc biệt nặng nề về thể chất, tinh thần và tương lai của đứa trẻ. Hậu quả của những tổn thương về lâu về dài khó có thể đánh giá hết được.
Ngồi trên giường bệnh ở góc phòng, Hà (tên nhân vật đã được thay đổi), nữ sinh cấp 2, gương mặt thất thần, lộ rõ sự lo lắng. Hễ có người bước vào phòng, cô bé lại giật mình, quay người vào tường. Ký ức về vụ bạo lực học đường, mà chính mình là nạn nhân xảy ra cách đó một tuần, có lẽ vẫn còn ám ảnh em.
Chỉ vài ngày trước, Hà bị 5 học sinh nữ khác đánh hội đồng ở khu vực bên ngoài trường. Theo video được ghi lại, mặc dù không hề phản kháng, Hà vẫn liên tục bị đấm, đá tới tấp vào lưng, bụng và thậm chí là đầu.
Sau xô xát, Hà được gia đình đưa vào bệnh viện tỉnh trong tình trạng hoảng loạn, đau đầu, đau bụng, chóng mặt, mất ngủ.
Sau 3 ngày điều trị, Hà được chuyển lên Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Những ngày đầu, Hà gần như không giao tiếp với bất kỳ ai. Khi bác sĩ hỏi thăm, cô bé chỉ biết im lặng, cúi gằm mặt xuống. Trong quá trình điều trị tại viện, nhiều lần em bất giác bật khóc. Các bác sĩ cho biết, Hà bị ám ảnh từ việc bạn bè đánh hội đồng.
Khoa Sức khỏe vị thành niên trước đó cũng đã tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi K., nạn nhân trong vụ việc nam sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội có những biểu hiện bất thường về tâm lý liên quan đến việc bị bạn bè đánh hội đồng, khiến dư luận phẫn nộ.
"Bệnh nhi vào viện nhiều lần, với các biểu hiện triệu chứng thay đổi, đa dạng. Có những lúc bố mẹ thấy trẻ lên cơn khó thở, co giật, đau bụng, đau đầu, rồi ngất... nhưng khi thăm khám thực thể, không có tổn thương gì đặc biệt. Các biểu hiện ổn định, trẻ được ra viện nhưng hay tái phát", bác sĩ điều trị cung cấp các thông tin về trẻ.
Nhiều năm trong nghề, nhưng mỗi lần tiếp nhận bệnh nhi bị bạo lực học đường, TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, vẫn luôn cảm thấy đặc biệt xót xa cho nạn nhân và bức xúc về vấn nạn này.
"Bạo lực học đường để lại những hậu quả đặc biệt nặng nề về thể chất, tinh thần và tương lai của đứa trẻ. Hậu quả của những tổn thương về lâu về dài khó có thể đánh giá hết được", BS Vinh chia sẻ.
Đáng nói, theo BS Vinh, bạo lực học đường thường xảy ra với trẻ nhiều lần, chứ không chỉ một lần duy nhất. Những vụ việc được phát hiện, trên thực tế, đôi khi chỉ là phần nổi của tảng băng. Còn có nhiều lần khác trẻ bị tấn công trong "bóng tối" mà phụ huynh, nhà trường không hề hay biết.
"Những sang chấn vì bạo lực học đường liên tiếp chồng lên nhau gây tổn thương nặng nề cho đứa trẻ", BS Vinh nhấn mạnh.
Không ít những trẻ bị bạo lực học đường gây ra các rối loạn tâm lý, thậm chí gây ra rối loạn tâm thần như: trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ, di chứng tâm thần kinh lâu dài, kết quả học tập giảm sút, trầm trọng hơn là dẫn đến các ý tưởng và hành vi tự tử của trẻ.
Đáng chú ý, các triệu chứng do sang chấn của bạo lực học đường thường có xu hướng lặp lại nhiều lần. Nạn nhân của bạo lực học đường có thể phải vào viện nhiều lần vì xuất hiện các triệu chứng như: lên cơn khó thở, đau ngực, hoảng loạn...
Qua thực tế lâm sàng, chuyên gia này cũng lên tiếng cảnh báo, tình trạng bạo lực học đường trong thời gian vừa qua có xu hướng gia tăng cả về số vụ, cũng như tính chất nghiêm trọng của từng vụ.
Điều đáng lo ngại hiện nay là bạo lực học đường xảy ra không chỉ ở các học sinh nam, mà thực tế lại có nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng. Lý do có thể rất vu vơ như "nhìn đểu", bạn mới đến học, bạn học giỏi nhưng không giúp đỡ bạn khác làm bài…
Tại Việt Nam, số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học.
Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, cứ 9 trường có một trường có học sinh đánh nhau.
Những con số biết nói rúng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực học đường hiện nay.
"Trường học phải là môi trường an toàn, lành mạnh, tạo ra niềm vui cho trẻ đến trường. Tuy nhiên đối với một số trẻ bị bạo lực học đường, môi trường học đường lại tạo ra nỗi ám ảnh cho các em.
Việc đến trường mỗi ngày với trẻ như một cực hình. Thậm chí trẻ mất ăn mất ngủ vì nghĩ đến việc ngày mai đi học lại bị dọa đánh", BS Vinh trăn trở.
Theo BS Vinh, với bất kể trường hợp bị bạo lực học đường nào cũng cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Chuyên gia này khẳng định, không có vụ bạo lực học đường nào là "chuyện nhỏ". Thậm chí, không phải chỉ có vũ lực mới là bạo lực học đường.
BS Vinh dẫn chứng một trường hợp xuất phát từ vấn đề học đường là một nữ sinh đang điều trị đã có hành vi tự tử xuất phát từ những lời trách phạt của giáo viên.
"Mỗi khi bị điểm kém, học sinh này lại bị giáo viên quở trách công khai trước lớp. Mới đây, bạn học sinh này mang điện thoại vào lớp, bị giáo viên phát hiện và tiếp tục bị phê bình.
Sự việc này như giọt nước làm tràn ly, học sinh đó đã cố gắng tìm đến cái chết bằng cách mua 40 viên thuốc ngủ về uống", BS Vinh kể.
Theo BS Vinh, ở lứa tuổi vị thành niên, những lời nói có tính nhạy cảm đôi khi gây tổn thương tinh thần của trẻ còn nặng nề hơn cả bạo lực thân thể.
Sang chấn tâm lý do bạo lực gây ra đóng vai trò như yếu tố "kích hoạt" các vấn đề liên quan tâm thần kinh ở trẻ. Đặc biệt với một đứa trẻ có tính cách nhạy cảm lại càng dễ bị tổn thương, do các sang chấn của bạo lực học đường.
Cũng theo chuyên gia này, bạo lực học đường hay bạo lực gia đình thường nặng nề vì trong cuộc sống trẻ gắn bó với hai môi trường này nhiều nhất.
Mới đây, Khoa Sức khỏe vị thành niên cũng đã tiếp nhận một trường hợp học sinh nữ cấp 2 đã có ý định tự tử do bạo lực học đường.
BS Vinh cho biết, trẻ có tính cách hòa đồng, học lực khá và trước đây không có biểu hiện bất thường tâm lý. Tuy nhiên, sự việc xảy ra khi có một nhóm bạn cùng lớp cho rằng trẻ có nói xấu các bạn.
Vì thế, trẻ đã bị các bạn đánh và chỉ trong vòng một tuần bị đánh 5-6 lần, với mức độ nặng tăng dần. Gần đây nhất chỉ trong vòng một ngày, trẻ bị các bạn đánh 3 lần ở trong và bên ngoài trường. Trẻ bị túm tóc, tát, đấm vào bụng, ngực và lưng, dùng chổi, ghế đánh vào người.
Trẻ nhập viện Khoa Sức khỏe vị thành niên trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, buồn chán, kinh hãi khi nghĩ lại cảnh bị bạn bè đánh đập. Trẻ lo sợ việc tiếp tục sẽ bị bạn bè ở lớp đánh đập và từng có ý định tự tử.
Ở tại bệnh viện, suốt ngày trẻ chỉ nằm thu mình, cảm giác tự ti và không muốn tâm sự hay trò chuyện với bất kỳ ai. Sau khi thăm khám và làm các trắc nghiệm tâm lý, các bác sĩ và nhà tâm lý đánh giá trẻ bị những sang chấn về tinh thần nặng nề.
Sau một thời gian trị liệu tâm lý, tinh thần của trẻ đã cải thiện hơn. Trẻ cảm thấy khỏe và vui vẻ hơn, hòa đồng với các bạn trong phòng và với mọi người. Ngoài ra, trẻ cũng ăn, ngủ tốt hơn và được ra viện sau đó.
"Mặc dù trẻ đã được ra viện, nhưng các bác sĩ vẫn lo lắng về những ảnh hưởng tâm lý lâu dài đối với trẻ, đặc biệt khi trẻ đi học trở lại, nếu tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn thì hậu quả sẽ khó lường…", BS Vinh nhấn mạnh.
Để nạn nhân của bạo lực học đường vượt qua sang chấn và quay trở lại cuộc sống bình thường là thử thách rất lớn và đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của bác sĩ.
BS Vinh phân tích, trẻ nhập viện hầu hết đều trong trạng thái sợ hãi, ngại tiếp xúc. Ban đầu, bác sĩ thường hạn chế khai thác thông tin trực tiếp từ trẻ, bởi sẽ khiến trẻ một lần nữa bị tổn thương vì phải nhớ và kể lại những điều tồi tệ đã trải qua.
Do đó, cần có sự hỗ trợ từ phụ huynh và đặc biệt là nhà trường, để bác sĩ có thể nắm được sự việc bạo hành diễn ra cụ thể như thế nào, đã diễn ra trong bao lâu, mức độ thế nào.
"Đây là những thông tin quan trọng để đánh giá mức độ tổn thương tâm lý, thể chất và hậu quả có thể xảy ra", BS Vinh phân tích.
Một điều đặc biệt quan trọng nữa là đưa ra biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường tái diễn khi trẻ quay trở lại trường.
Chuyên gia chỉ rõ: "Khi chúng tôi hiểu được bản chất sự việc, mới hiểu được mối quan hệ của các học sinh như thế nào, nguyên nhân gốc rễ dẫn đến bạo lực học đường, từ đó mới có thể đưa ra biện pháp phòng ngừa cho các bạn".
Khác với bệnh thực thể có thể kết luận là bệnh đã khỏi, sức khỏe tốt thì những bệnh nhân bạo lực học đường khi ra viện chỉ có thể đánh giá các triệu chứng có thuyên giảm, trẻ hợp tác hơn, triệu chứng đau đầu cải thiện, đỡ lo lắng, đã bộc lộ chia sẻ, có thể hòa nhập trở lại…
Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể tái phát, sau khi ra viện, trẻ lại tiếp tục nhập viện nếu vẫn còn những yếu tố sang chấn ảnh hưởng đến trẻ.
Do đó, trong hành trình giúp trẻ vượt qua sang chấn bạo lực học đường, vai trò của gia đình và nhà trường là đặc biệt quan trọng.
Điều tiên quyết, nhà trường phải tạo ra môi trường an toàn cho trẻ. Nếu môi trường học chưa đảm bảo an toàn cho trẻ thì không thể để trẻ đi học trở lại.
Sau khi tạo được môi trường an toàn, nhà trường cũng cần có biện pháp động viên tâm lý và hỗ trợ lại việc học vì trẻ phải nghỉ học lâu, cũng như hỗ trợ tạo mối quan hệ với bạn bè trở lại cho trẻ.
Tuy nhiên, theo BS Vinh, một thực trạng đáng buồn là không ít lần điều trị cho trẻ bị bạo lực học đường, nhà trường còn chưa sẵn sàng hợp tác trong việc phối hợp với bác sĩ để có biện pháp hỗ trợ và phòng ngừa bạo lực học đường cho trẻ.
Khi trẻ đi học trở lại, nếu tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn thì hậu quả sẽ khó lường…
Về phía gia đình, cần tạo môi trường thoải mái ở nhà cho trẻ, thường xuyên quan tâm, trò chuyện, động viên, tạo môi trường để trẻ thoải mái tâm sự, giúp trẻ cân bằng về những sang chấn đã qua do bạo lực học đường.
"Chỉ đơn giản là luôn tạo cho trẻ những bữa cơm ấm cúng với đầy đủ thành viên trong gia đình. Trẻ cảm thấy có sự kết nối với bố mẹ sẽ dễ dàng chia sẻ hơn", BS Vinh nói.
Khi quay trở lại trường học, cả nhà trường và gia đình cần theo dõi sát biểu hiện, tâm trạng của trẻ. Nếu trẻ vẫn có tình trạng sợ sệt, buồn chán, mất ngủ… rất có thể trẻ đang bị bạo hành trở lại.
BS Vinh nhấn mạnh phải cân nhắc thật kỹ nếu có ý định chuyển trường cho trẻ, nếu nhà trường không có các biện pháp hỗ trợ và phòng ngừa cho trẻ khi trẻ quay trở lại trường học. Cần xem đây là biện pháp cuối cùng, nếu các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường nhà trường không thể giải quyết được nữa.
Khi chuyển trường cũng cần phải tìm hiểu thật kỹ môi trường mới, nên cho trẻ có thời gian làm quen với môi trường mới .
"Chuyển trường dẫn đến thay đổi về môi trường mới nếu không tìm hiểu kỹ cũng có thể lại đưa đến một stress tâm lý tiếp theo đối với trẻ.
Có trường hợp trẻ chuyển sang trường mới cũng tiếp tục bị bạo hành hoặc trẻ không thích nghi được với môi trường mới. Khi đó trẻ muốn quay lại trường cũ cũng lại gặp nhiều khó khăn, bị bạn bè xa lánh, trêu chọc. Lúc đó đôi khi trẻ sẽ không còn lối thoát", BS Vinh phân tích.
Trước thực trạng đáng báo động về bạo lực học đường hiện nay, theo BS Vinh học sinh cần được dạy kỹ năng bảo vệ mình.
Trẻ cần được giáo dục rằng, khi có nguy cơ bị bạn bè bắt nạt cả về thể chất lẫn tinh thần thì trẻ cần phải cung cấp thông tin với bố mẹ, thầy cô để có phương án phòng ngừa bạo lực không xảy ra.
"Một thực tế là khi bị đánh, đứa trẻ hầu như đều âm thầm chịu đựng. Vì nếu trẻ nói ra thì sẽ bị bạn bè cho rằng yếu đuối, mách lẻo, dẫn đến bị cô lập hoặc bị bạo lực từ bạn bè với mức độ cao hơn.
Tâm lý chung của trẻ thường che giấu và chịu đựng. Đây là biện pháp rất tiêu cực, không phải cách bảo vệ tốt cho mình. Đương nhiên để làm được điều này, nhà trường và gia đình cần phải có phương pháp để có thể trở thành người bạn đồng hành của trẻ", BS Vinh nhấn mạnh.
Trong gia đình, các bậc phụ huynh cần dành thời gian chia sẻ, quan tâm hơn tới các vấn đề xung quanh trường lớp của trẻ.
Việc cung cấp các kỹ năng và kinh nghiệm sống cần thiết sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi các vấn đề nguy cơ bạo lực trong trường học.
Đối với nhà trường, môi trường học tập tích cực, thân thiện bên cạnh sự đồng hành của giáo viên là yếu tố cần thiết giúp các em học sinh được học tập và phát triển lành mạnh.
Các giáo viên cần chú ý không có sự phân biệt đối xử giữa các học sinh trong lớp và cần phải đưa ra các nội quy không có hành vi bạo lực ngay từ khi học sinh bắt đầu vào học.
"Bên cạnh đó, giáo viên phải luôn lắng nghe học sinh của mình và sớm nhận biết những dấu hiệu bạo lực ở học sinh để đưa ra các biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường", BS Vinh chia sẻ.