1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sau khi ăn dưa hấu, bé gái phải nhập viện vì "thủ phạm" này

Minh Nhật

(Dân trí) - Sau khi ăn dưa hấu, trẻ ho sặc sụa, tím tái, khó thở, thở rít nên được đưa ngay vào viện.

Bé P.Đ.T.T., 17 tháng tuổi, địa chỉ tại phường Bàng La, quận Đồ Sơn (Hải Phòng) được đưa vào Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng trong tình trạng tím tái, khó thở.

Qua khai thác bệnh sử, gia đình cho biết trước khi vào viện một giờ, khi đang ăn dưa hấu bé vô tình ăn cả hạt. Sau khi ăn, trẻ ho sặc sụa, tím tái, khó thở, thở rít nên được đưa ngay vào viện.

Sau khi ăn dưa hấu, bé gái phải nhập viện vì thủ phạm này - 1

Bé gái tím tái phải nhập viện vì hạt dưa hấu (Ảnh: Getty).

Tại đây, các bác sĩ đã khẩn trương cho làm xét nghiệm, chụp X - quang ngực. Nhờ chẩn đoán và can thiệp kịp thời, ê-kíp bác sĩ tại bệnh viện đã tiến hành gắp dị vật thành công.

Tình trạng trẻ nuốt sặc dị vật vào trong đường hô hấp rất nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong hay để lại những di chứng rất nặng nề như: hẹp khí quản do sẹo khi lấy dị vật đâm sâu, viêm phổi thở máy kéo dài, nấm phế quản do dị vật nằm lâu…

Các loại dị vật như ốc vít kim loại, pin cúc, pin điện thoại… thường  rất nguy hiểm, như trường hợp trên, gia đình đã phát hiện sớm, đưa trẻ tới đúng chuyên khoa được xử trí kịp thời nên không để lại biến chứng hay di chứng gì.

Sau khi ăn dưa hấu, bé gái phải nhập viện vì thủ phạm này - 2

Các bác sĩ thực hiện ca gắp dị vật cho bé P.Đ.T.T., 17 tháng tuổi hóc hạt dưa hấu (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Theo BS Vũ Trọng Tài chuyên gia nội soi cấp cứu nội soi đường thở tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, nếu dị vật mắc kẹt ở ngã ba hầu họng và đường thở, bé sẽ lâm vào khó thở nguy kịch.

Nếu mắc ở đường tiêu hóa không được xử lý đúng và kịp thời, bệnh nhi sẽ bị nhiễm loét, rò thủng thực quản và viêm loét dạ dày với nhiều hệ lụy khó lường.

Dị vật nếu nằm lâu ngày cũng làm tổn thương, thậm chí là thủng thực quản dạ dày. Khi bị hóc dị vật, ngoài biết cách sơ cứu đúng (như động tác Heimlich, vỗ lưng ấn ngực..), cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh có phương tiện nội soi để mau chóng lấy dị vật ra đúng cách.

Để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý: Người lớn phải thường xuyên để mắt tới trẻ nhỏ, khi trông giữ trẻ người lớn phải thường xuyên giám sát, giữ trẻ trong tầm mắt.

Các đồ vật nhỏ như đinh, ốc vít, đồng xu, pin, kim, tăm… hay những hóa chất có thể gây nguy hiểm cho trẻ như: dầu hỏa, xăng, nước giặt, kể cả nước sôi… phải để xa, để cao hẳn khỏi tầm tay của trẻ. Kiểm tra đồ chơi của trẻ thường xuyên để đảm bảo các khe cắm pin đã khóa trong và an toàn.

Khi phát hiện trẻ nuốt dị vật hay có các biểu hiện bất thường như nôn, nuốt đau, nuốt khó, đau bụng…, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Đặc biệt đối với trẻ dưới 3 tuổi, khả năng trao đổi thông tin, mô tả của trẻ với người lớn còn khó khăn. Nếu trong tầm mắt quan sát của người lớn, khi thấy trẻ bị hóc, sặc thì có thể xử trí kịp thời.

Tuy nhiên nhiều trường hợp trẻ đi ra ngoài chơi hoặc ở ngoài tầm nhìn của cha mẹ, người lớn.

Do đó, bố mẹ dù không biết trẻ có ăn gì hay không nhưng nếu thấy có các dấu hiệu bất thường, xảy ra đột ngột như: cơn khó thở, tím tái, không xác định được nguyên nhân (mà trước đây trẻ không có các tiền sử bệnh lý liên quan đến các cơn khó thở đó), thì gia đình nên nghĩ tới việc trẻ có thể hóc dị vật.

Khi đó, cần sơ cứu trẻ như vỗ lưng, ấn ngực để dị vật có thể rơi ra ngoài.