Bộ phận của lợn ít được ăn lại đại bổ cho nam giới
(Dân trí) - Theo đông y, bộ phận này có chức năng bồi bổ cơ thể, hỗ trợ chứng thận hư, liệt dương, xuất tinh sớm, cung cấp năng lượng và tăng cường sức khỏe chung.
Đuôi lợn: Món ăn giàu dưỡng chất
Bên cạnh các bộ phận quen thuộc của lợn như: sườn, thịt ba chỉ, thịt mông, tim, lòng… đuôi lợn dù ít xuất hiện trong mâm cơm, nhưng lại được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá cao.
Theo đông y, đuôi lợn có vị ngọt, hơi mặn, có tính hàn. Đông y nhận định đuôi lợn có nhiều công dụng với sức khỏe như:
Bồi bổ sinh lực: Đuôi lợn có chức năng bồi bổ cơ thể, hỗ trợ chứng thận hư, liệt dương, xuất tinh sớm, cung cấp năng lượng và tăng cường sức khỏe chung.
Hỗ trợ khớp và xương: Đuôi lợn thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị các vấn đề về khớp và xương như: đau nhức khớp, viêm khớp và thoái hóa khớp.
Dưỡng da: Đuôi lợn có tác dụng giữ độ ẩm và làm tăng tính đàn hồi của da, chống lão hóa da. Nó được sử dụng trong một số sản phẩm chăm sóc da để làm mờ nếp nhăn, làm mềm và dưỡng ẩm da.
Theo ông Nguyễn Đắc Danh - Chuyên gia dinh dưỡng, trong 100g đuôi lợn có chứa: 17,7g protein, 33,5g chất béo, 1,12mg vitamin B3, 0,07mg vitamin B1, 0,07mg vitamin B2, 14mg canxi, 47mg photpho, 25mg natri, 157mg kali. Đuôi lợn không chứa carbohydrate.
Đặc biệt, theo chuyên gia này, đuôi lợn nổi bật với hàm lượng kẽm ở mức khá cao. Trong 100g đuôi lợn có chứa 1,64mg kẽm chiếm khoảng 15% so với giá trị hàng ngày (trên khẩu phần ăn 2000 calo khuyến cáo dinh dưỡng chung).
"Kẽm là nguyên tố vi lượng tuy chiếm lượng nhỏ trong cơ thể, nhưng chúng lại rất quan trọng trong hầu hết các hệ cơ quan.
Không chỉ thế, chúng cũng là nguyên tố để tạo nên các hormone nội sinh kiểm soát sự phát triển cơ thể, kẽm đóng vai trò duy trì nồng độ testosterone trong huyết thanh.
Đối với nam giới, testosterone là hormone có tác động lớn đến ngoại hình, quá trình phát triển sinh dục".
Kẽm được xem là khoáng chất của hệ miễn dịch và thuốc quý đối với sức khỏe sinh sản và tình dục của nam giới. Các nghiên cứu đã chứng minh kẽm có tác dụng cải thiện chất lượng và số lượng tinh trùng.
Thiếu kẽm cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và gây biến đổi hình thái của tinh trùng. Tinh trùng di chuyển kém vốn làm tăng nguy cơ hiếm muộn ở nam giới.
Kẽm cũng đóng vai trò quan trọng đối với tuyến tiền liệt. Việc thiếu kẽm có thể gây phì đại tuyến tiền liệt và những thay đổi khác ở tuyến sinh dục quan trọng này, thậm chí là vô sinh.
"Ngoài giá trị mang lại cho sức khỏe nam giới, đuôi lợn rất giàu protein, chủ yếu là ở da, gồm nhiều chất hợp thành như: collagen, elastin… Các chất này có tác dụng liên kết chặt chẽ cấu trúc của tế bào, giữ độ ẩm và làm tăng tính đàn hồi của da, chống lão hóa da, bảo vệ làn da trước sự tấn công của các yếu tố bất lợi của môi trường", ông Danh cho hay.
Bên cạnh đó, đuôi lợn còn chứa canxi, photpho, sắt, magie…, có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng và duy trì hệ xương khớp, chống loãng xương, ngăn ngừa thiếu máu.
Chuyên gia này phân tích: "Canxi là thành phần chính của xương và răng. Nó giúp xây dựng và duy trì độ cứng và cấu trúc của xương. Canxi cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái tạo và phục hồi xương khi xảy ra tổn thương"
Ăn đúng, đủ để đảm bảo sức khỏe
Mặc dù mang lại nhiều giá trị sức khỏe, nhưng theo ông Danh, đuôi lợn chứa nhiều chất béo xấu.
Cụ thể, 58% lượng chất béo trong đuôi lợn là chất béo bão hòa. Lượng cholesterol trong 100g đuôi lợn lên đến 96mg cao hơn so với thịt lợn nói chung (khoảng 67mg) và chiếm 32% nhu cầu hàng ngày (trên khẩu phần ăn 2000 calo khuyến cáo dinh dưỡng chung).
Do đó, chuyên gia này khuyến cáo hầu hết ai cũng có thể ăn được đuôi lợn, trừ người cao huyết áp, tim mạch, béo phì thì ăn càng ít càng tốt. Lượng cholesterol và chất béo xấu trong đuôi lợn có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Mỗi tuần chỉ nên ăn món đuôi lợn một lần và cũng không nên quá lạm dụng.