1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sau hiến gan cho mẹ, chàng trai vẫn lấy vợ, sinh con bình thường

Hồng Hải

(Dân trí) - Tại Việt Nam, phần lớn các ca ghép gan đều từ người cho sống. Tỉ lệ người được ghép gan sống sau 5 năm vượt 90%. Trong khi đó, người hiến gan cũng có cuộc sống khỏe mạnh, sinh hoạt như bình thường.

Ngày 19/4, tại hội thảo "Cập nhật tiến bộ trong phẫu thuật gan mật tụy" do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, TS.BS Nguyễn Thành Khiêm, Trung tâm Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, tỉ lệ các bệnh về gan mật như: Ung thư gan, xơ gan và các biến chứng do xơ gan ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa.

Sau hiến gan cho mẹ, chàng trai vẫn lấy vợ, sinh con bình thường - 1

Bệnh nhân hồi phục, khỏe mạnh, có chất lượng cuộc sống tốt hơn sau ghép gan (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị những bệnh lý về gan mật, giúp nâng cao chất lượng sống người bệnh. Biện pháp như lọc máu hỗ trợ gan được áp dụng nhiều trong các đơn vị hồi sức cấp cứu. Biện pháp này giúp chờ gan hồi phục hoặc là cầu nối chờ ghép gan. 

Tại hội nghị, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện mong muốn cùng Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia đồng hành trong thực hiện mục tiêu ghép tạng, các đơn vị cùng phối hợp để chăm sóc sức khỏe người bệnh tốt nhất.

Tại hội nghị, PGS.TS Lê Văn Thành, Viện trưởng Viện phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết từ ca ghép gan đầu tiên vào năm 2017, đến nay bệnh viện đã thực hiện 224 ca ghép gan. Trong số này, 97% ca ghép từ người hiến sống.

Tỉ lệ sống của bệnh nhân sau 1 năm là 95%, sau 3 năm là 90%, trong khi tỉ lệ sống sau ghép gan trên thế giới lần lượt là 90% sau 1 năm, 80% sau 3 năm.

PGS Thành chia sẻ thêm, có những bệnh nhân ghép gan, nhất là ghép sau ung thư gan, chỉ sau 30-40 ngày, nhiều người nhìn họ không thể biết là bệnh nhân ghép gan bởi họ có chất lượng sống tốt hơn rất nhiều.

Cũng theo PGS Thành, trong bối cảnh nguồn cho chết não còn hạn chế, việc hiến gan từ người cho sống mang lại cơ hội điều trị cho bệnh nhân giai đoạn cuối, trong khi đó, với người cho vẫn có được cuộc sống khỏe mạnh bình thường.

"Tại BV 108, hơn 100 trường hợp người cho gan, chưa một ai tử vong. Ca đầu tiên là con trai hiến cho mẹ, đến nay chàng trai lấy vợ, sinh con, có cuộc sống khỏe mạnh bình thường", PGS Thành cho biết.

PGS Thành giải thích, Thông thường, sau hiến gan từ 7-10 ngày, người hiến gan sẽ được ra viện. Trong thời gian này, sự phì đại của gan sau bị cắt một lá gan đã đạt khoảng 60% và thường sau 6-12 tháng, gan trở về trạng thái 100%. Gan là cơ quan duy nhất của cơ thể có thể "tái tạo" lại sau khi hiến, sức khỏe người hiến gan như bình thường.