1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sáng 20/4: Tròn 4 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19

(Dân trí) - Trong bản tin sáng 20/4 Bộ Y tế cho biết, số bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn duy trì ở con số 268 trường hợp. Kể từ ca mắc 268 được ghi nhận sáng 16/4, đến nay chưa ghi nhận ca mắc mới.

Tổng số ca mắc tại Việt Nam là268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài, 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 62.998, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 279;

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.338;

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 51.381.

Cả nước hiện còn 66 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 13 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 07 ca.

Tối qua (19/4), các Bộ trưởng Y tế G20 cũng đã họp trực tuyến để thảo luận về tác động của Covid-19 đối với sức khỏe toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam và ASEAN (trên vai trò Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020) trong ứng phó với đại dịch Covid-19.

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, tại Việt Nam Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã được thành lập từ rất sớm với cam kết cao của toàn thể hệ thống chính trị, chính phủ lẫn người dân, kêu gọi tinh thần đoàn kết của người dân với phương châm "chống dịch như chống giặc".

Việt Nam đã áp dụng chiến lượcchủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để - điều trị khỏi bệnh”, với sự tham gia của các địa phương và huy động mọi nguồn lực tại chỗ. Việt Nam đã sớm áp dụng các biện pháp ngăn chặn các ca lây nhiễm từ nước ngoài và đảm bảo hiệu quả việc cách ly, ngăn chặn các ca lây nhiễm trong nước.

Các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 bao gồm cách ly sớm các ca nghi nhiễm, xét nghiệm trên số lượng lớn những người từ tâm dịch hay những vùng bị ảnh hưởng, thực hiện giãn cách xã hội. Việt Nam đã phối hợp với các đối tác thuộc nhiều lĩnh vực nhằm cải thiện việc xét nghiệm, nghiên cứu, điều tra và chữa trị với hiệu quả cao nhất từ nguồn lực hạn chế. Ứng dụng theo dõi sức khỏe cập nhật tình hình dịch bệnh và cung cấp các ca nghi nhiễm gần khu vực sinh sống của người dân, giúp ngành y tế phát hiện những cá nhân cần trợ giúp y tế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, và kênh chính thức để tư vấn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho người dân.

Về mặt kinh tế xã hội, Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp nhằm giảm nhẹ tác động của COVID-19 như cắt giảm thuế và những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người buôn bán nhỏ lẻ và người dân. Việt Nam đã áp dụng biện pháp khống chế kiểm soát dịch bệnh đi kèm với bình ổn kinh tế xã hội. Những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, người lao động, được đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm