Bác sĩ Việt lập tổ tư vấn Covid-19 trực tuyến cho đồng bào xa quê hương

(Dân trí) - Nhóm các bác sĩ trẻ đã tình nguyện sát cánh cùng đồng bào xa xứ đương đầu với đại dịch, đúng với tinh thần đã được lan tỏa từ khi nước ta bắt đầu chống dịch Covid-19: “Để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Để không ai bị bỏ lại phía sau!

Chống Covid-19 là một cuộc chiến với sự tham gia của nhiều lực lượng, hợp lực chiến đấu trên nhiều mặt trận khác nhau. Trong nước, các y, bác sĩ, lực lượng công an, quân đội… ngày đêm khoanh vùng, dập dịch, điều trị các ca bệnh, thì ở nước ngoài, các Cơ quan đại diện (CQĐD) của Việt Nam cũng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, thông tin, hỗ trợ công dân về nước, đồng thời bảo hộ công dân còn ở lại nước sở tại.

Bác sĩ Việt lập tổ tư vấn Covid-19 trực tuyến cho đồng bào xa quê hương - 1

Ở nước ngoài, các Cơ quan đại diện (CQĐD) của Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, thông tin, hỗ trợ công dân về nước, đồng thời bảo hộ công dân còn ở lại nước sở tại.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 không chừa một ai, các chiến binh chống dịch, cũng có thể trở thành nạn nhân của nó bất cứ lúc nào. Đặc biệt, với lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các “điểm nóng” Covid-19 trên thế giới, sự băn khoăn, lo lắng là điều không thể tránh khỏi, khi mà việc tiếp cận với các dịch vụ y tế đang rất khó khăn.

Nhận thức được vấn đề này, một nhóm các bác sĩ trẻ tại Việt Nam đã tình nguyện sát cánh cùng những cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ cộng đồng người Việt đương đầu với đại dịch, đúng với tinh thần đã được lan tỏa từ khi nước ta bắt đầu chống dịch Covid-19: “Để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Những khó khăn mà người Việt đang bám trụ tại “điểm nóng” Covid-19 phải đối mặt

Câu chuyện bắt đầu trong một lần tình cờ, BS Nguyễn Thị Hằng, công tác tại Trung tâm Giải phẫu bệnh – Tế bào học, Bệnh viện Bạch Mai, được một người bạn thời cấp 3 hiện đang làm việc tại Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhờ tư vấn về các biện pháp phòng, chữa Covid-19 cho các cán bộ đang công tác tại cơ quan này, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp tại Mỹ.

Bác sĩ Việt lập tổ tư vấn Covid-19 trực tuyến cho đồng bào xa quê hương - 2

BS Nguyễn Thị Hằng (đeo kính, ở giữa) công tác tại Trung tâm Giải phẫu bệnh – Tế bào học, Bệnh viện Bạch Mai.

“Tôi không tham gia trực tiếp vào việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, nên chỉ có thể tư vấn cho bạn mình thông qua những kiến thức khoa học mà mình đọc được về căn bệnh này, cùng với các kiến thức nền tảng về bệnh học. Lúc đó chỉ nghĩ rằng, khi bạn mình cũng như nhiều người Việt Nam khác đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế nơi đất khách quê người, khả năng của mình đến đâu, mình sẽ giúp đến đó” – BS Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.

Qua cuộc trò chuyện với người bạn ở phương xa, BS Hằng cũng cảm nhận rõ hơn những băn khoăn, lo lắng và những khó khăn của các cán bộ ngoại giao đang bám trụ tại “điểm nóng” Covid-19 để hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Nữ BS trẻ này phân tích: “Khác với Việt Nam, ở Mỹ những người mắc Covid-19 nhưng có triệu chứng nhẹ sẽ được hướng dẫn tự điều trị tại nhà, với các loại thuốc điều trị triệu chứng như paracetamol, cùng với sự hỗ trợ tư vấn qua điện thoại”.

Bác sĩ Việt lập tổ tư vấn Covid-19 trực tuyến cho đồng bào xa quê hương - 3

BS Nguyễn Thị Hằng trong vai trò phiên dịch viên của một hội nghị y khoa.

Càng thấu hiểu những vấn đề này, nữ BS càng nhận thấy tính cấp thiết của việc thiết lập cầu nối giữa các thầy thuốc Việt Nam và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhằm giúp đồng bào xa quê trang bị kiến thức y khoa cần thiết để đối mặt với đại dịch. Tuổi trẻ nghĩ là làm. BS Hằng nhanh chóng liên lạc với 2 người đồng nghiệp cũng là người bạn của mình là BS Phạm Thế Thạch, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai và BS Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đều là những chiến binh đang ở trên tuyến đầu chống dịch và có kinh nghiệm thực tế trong việc chẩn đoán, điều trị các bệnh nhân Covid-19, trong đó có cả những bệnh nhân nặng.

 “Dù đang trực tiếp chống dịch và rất bận rộn nhưng cả 2 BS đã nhanh chóng nhận lời, khi tôi vừa ngỏ ý về việc tham gia nhóm tư vấn trực tuyến cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Điều này khiến tôi cảm thấy rất tự hào về những người đồng nghiệp của mình” – BS Hằng nói.

Cuộc gặp đặc biệt giữa những con người cách nhau nửa vòng Trái Đất

Với tinh thần khẩn trương, “chống dịch như chống giặc”, buổi tư vấn trực tuyến đầu tiên đã được ĐSQ Việt Nam tại Hoa Kỳ làm chủ trì tổ chức vào ngày 21/3, với khoảng 45 thành viên bao gồm Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc, các nhân viên ĐSQ, thành viên của các CQĐD của Việt Nam tại Hoa Kỳ và 3 BS thuộc nhóm tư vấn.

BS Hằng thuật lại về buổi tư vấn trực tuyến đặc biệt, giữa 2 điểm cầu cách nhau nửa vòng Trái Đất: “Buổi tư vấn trực tuyến diễn ra rất sôi nổi, bởi ai cũng có những khoăn và lo âu về sức khỏe của mình, trong bối cảnh nước sở tại đang là điểm nóng của dịch Covid-19. Mọi người đặt nhiều câu hỏi tập trung vào các vấn đề về phòng, trị bệnh. Cả 3 chúng tôi luân phiên nhau giải đáp những thắc mắc này. Cuộc trao đổi hôm đó kéo dài hơn 1 tiếng rưỡi”.

Bác sĩ Việt lập tổ tư vấn Covid-19 trực tuyến cho đồng bào xa quê hương - 4

Buổi tư vấn trực tuyến đầu tiên đã được ĐSQ Việt Nam tại Hoa Kỳ làm chủ trì tổ chức vào ngày 21/3, với khoảng 45 thành viên.

Các nội dung tư vấn sau đó cũng được ĐSQ Việt Nam tại Hoa Kỳ chắt lọc và biên tập dưới dạng văn bản để gửi đến các CQĐD của Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới. Nhận thấy tính hiệu quả và thiết thực mà hình thức tư vấn trực tuyến đem lại, Đại sứ Hà Kim Ngọc đã đặt vấn đề với nhóm BS về việc tổ chức một buổi tư vấn thứ 2, với quy mô rộng hơn, bao gồm tất cả CQĐD của Việt Nam ở những nước có trên 10.000 ca mắc Covid-19.

“Là người bác sĩ, dùng kiến thức của mình để bảo vệ sức khỏe mọi người không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là niềm vui, niềm tự hào với nghề nghiệp mà mình đã chọn. Vì vậy, khi nhận được lời đề nghị của Đại sứ Hà Kim Ngọc, điều chúng tôi suy nghĩ không phải là đồng ý hay từ chối, mà là làm thế nào để có thể triển khai tốt nhất, nhanh nhất nhiệm vụ này” – Nữ BS trẻ nhớ lại.

Bác sĩ Việt lập tổ tư vấn Covid-19 trực tuyến cho đồng bào xa quê hương - 5

Đại sứ Hà Kim Ngọc đã đặt vấn đề với nhóm BS về việc tổ chức một buổi tư vấn thứ 2 bao gồm tất cả CQĐD của Việt Nam ở những nước có trên 10.000 ca mắc Covid-19.

Với số lượng điểm cầu tăng lên, nội dung các vấn đề cần tư vấn chắc chắn cũng sẽ trải rộng trên nhiều khía cạnh hơn, nên nhiệm vụ đầu tiên cả nhóm đặt ra chính là bổ sung thêm nhân sự. 6 bác sĩ tiếp theo tình nguyện tham gia vào nhóm tư vấn đến từ 5 bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội: Bệnh viện Tai-Mũi-Họng Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội.

“Đội ngũ tư vấn được kiện toàn với tổng cộng 9 thành viên, trải rộng trên nhiều chuyên khoa, giúp chúng tôi tự tin hơn trong việc giải đáp các thắc mắc của đồng bào xa xứ” – BS Hằng chia sẻ.

Sát cánh cùng các Cơ quan Ngoại giao hỗ trợ người Việt nơi đất khách quê người vượt qua đại dịch

Đúng như kế hoạch đã định, buổi tư vấn thứ 2 đã được tổ chức với sự tham gia của 26 CQĐD của Việt Nam ở các nước được xem là “điểm nóng” của dịch Covid-19. Cùng chung tâm lý lo lắng, hoang mang khi dịch bệnh bủa vây, các điểm cầu đã đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến đủ các khía cạnh của dịch Covid-19, từ kiến thức chung về virus, cách phòng, chống bệnh như: “Virus SARS-CoV-2 sống ở môi trường nào và phát tán ra sao?”; “Có nên đeo khẩu trang để phòng bệnh?”; “Cần làm gì khi bị sốt, viêm họng?”; “Cách chăm sóc cho trẻ con và người già như thế nào?”, cho đến những tình huống rất thực tế và cụ thể: “Tủ thuốc gia đình cần có những loại thuốc thiết yếu nào trong mùa dịch này?”; “Có nên tự mua KIT xét nghiệm tại nhà hay không?”; “Cách sử dụng thuốc hạ sốt để điều trị Covid-19 tại nhà?”.

Bác sĩ Việt lập tổ tư vấn Covid-19 trực tuyến cho đồng bào xa quê hương - 6

Buổi tư vấn thứ 2 đã được tổ chức với sự tham gia của 26 CQĐD của Việt Nam ở các nước được xem là “điểm nóng” của dịch Covid-19.

 “Chúng tôi nhận thấy, chủ đề mà đồng bào ta ở nước ngoài quan tâm nhiều nhất là cách phòng ngừa và điều trị Covid-19, đặc biệt là với đối tượng dễ bị tổn thương bởi căn bệnh này như trẻ em, người già, người có bệnh nền. Nhóm cũng chủ động hướng dẫn mọi người cách tự cách ly tại nhà khi nghi nhiễm/nhiễm Covid-19. Cùng với đó là giới thiệu đến mọi người hướng dẫn cách ly y tế do Bộ Y tế Việt Nam soạn thảo, bởi đây là một tài liệu hướng dẫn rất chi tiết, đầy đủ và dễ dàng hiểu để áp dụng theo”– BS Hằng chia sẻ.

Được biết, sau khi kết thúc buổi tư vấn, phía ĐSQ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng đã đứng ra tổng hợp nội dung thành bộ cẩm nang Covid-19, với 30 câu hỏi thường gặp kèm lời giải đáp rồi phát đi cho các CQĐD của Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng kiều bào, người lao động, du học sinh. Bộ cẩm nang đã trở thành tài liệu tham khảo quý giá của những người Việt xa xứ, giữa lúc khó khăn, giúp mọi người vững tâm hơn khi đối mặt với đại dịch ở nơi đất khách quê người.

Bác sĩ Việt lập tổ tư vấn Covid-19 trực tuyến cho đồng bào xa quê hương - 7

Nhiệm vụ kết nối của nhóm bác sĩ trẻ Việt Nam không chỉ dừng lại ở 2 lần tư vấn trực tuyến. Theo BS. Hằng, một kênh liên lạc 24/24 đã được thành lập trên ứng dụng Viber, với sự góp mặt của 9 thành viên nhóm tư vấn và đại diện các CQĐD của Việt Nam tại nước ngoài. Kênh liên lạc này sẽ là một cầu nối 2 chiều, phía các BS sẽ có nhiệm vụ giải đáp những thắc mắc phát sinh thêm về Covid-19 đến từ các CQĐD. Về phía các CQĐD sẽ liên tục cập nhật diễn biến dịch bệnh và tình hình đồng bào ta ở nước sở tại.

Đồng thời nhóm bác sĩ cũng giới thiệu đến các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài, phần mềm Bác sĩ tư vấn online của Bộ Y Tế để thuận tiện cho đồng bào có thể hỏi tư vấn trực tiếp bởi các bác sĩ Việt Nam.

BS Hằng cho biết: “Ở nước ta, dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp nên nhìn chung các BS đều rất bận. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng sắp xếp, bố trí thời gian một cách khoa học nhất, để đảm bảo luôn có thành viên của tổ tư vấn trực trả lời các câu hỏi trên kênh trao đổi này”.

Luôn yêu nghề nhưng đây là thời khắc tự hào với nghề nhất

Bác sĩ Việt lập tổ tư vấn Covid-19 trực tuyến cho đồng bào xa quê hương - 8

Nhận thêm một nhiệm vụ cũng có nghĩa là thời gian nghỉ ngơi vốn đã ít ỏi bị rút ngắn đi, nhưng với những người thầy thuốc trẻ tuổi này, chưa bao giờ họ cảm thấy vui và tự hào với nghề y như những ngày vừa qua: “Cả nhóm chúng tôi đều rất vui vì đã có cơ hội được làm một việc rất tốt và giàu ý nghĩa, để giúp được mọi người trong lúc khó khăn. Cảm xúc chung của cả nhóm là chưa giờ thấy tự hào với nghề y như lúc  này. Luôn yêu nghề nhưng đây là thời khắc khiến anh em tự hào nhất”.

Minh Nhật