Rợn người với những cách chữa bỏng "truyền miệng"

Hoàng Lam

(Dân trí) - Dùng nước mắm và rượu, đất sét hoặc thậm chí cả... lông thú để chữa bỏng của nhiều phụ huynh khiến tình trạng bỏng của con nặng hơn. Có trường hợp trẻ bị nhiễm trùng do sơ cứu không đúng cách.

Chữa bỏng bằng nước mắm, lông động vật

Mới đây, các bác sĩ Khoa Chấn thương - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An sốc khi tiếp nhận, cấp cứu cho một bệnh nhi bị bỏng. "Khi mở tấm gạc băng vết bỏng cho bé, tôi hoảng hốt khi thấy một lớp lông, nghi là lông chó được đắp trên vết thương", bác sĩ Đường Thị Hải Chi cho biết.

Rợn người với những cách chữa bỏng truyền miệng - 1

Bệnh nhi 8 tháng tuổi ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An được thầy lang chữa bỏng bằng... lông động vật (Ảnh: BV Sản Nhi Nghệ An).

Theo người nhà, vào chiều ngày 5/11, bé T.A. (8 tháng tuổi, trú huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) không may bị đổ cháo nóng vào người, gây bỏng phần ngực, bụng, đùi, chân. Theo mách nước của hàng xóm, gia đình đưa đến một thầy lang để "chữa mẹo". Khi được thầy lang đắp thuốc, băng bó, bé vẫn quấy khóc và sốt nên gia đình đưa đến bệnh viện.

Các bác sĩ truyền dịch, giảm đau và đưa bệnh nhi vào bồn tắm bỏng để loại bỏ hoàn toàn lớp lông trên vết thương, sau đó mới có thể bắt tay vào điều trị.

"Tôi đã nghe nhiều phương pháp điều trị bỏng được giới thiệu là "kinh nghiệm dân gian" như bôi kem đánh răng, nước mắm, sữa, rượu... nhưng đắp lông thú như thế này chưa thấy bao giờ", bác sĩ Chi cho hay.

Cuối năm ngoái, Khoa Chấn thương - Bỏng cũng tiếp nhận một bệnh nhi 31 tháng, trú tại huyện Đô Lương. Trong quá trình trêu đùa với anh trai, cháu bé bị ngã vào nồi nước sôi, gây bỏng nặng. Nghe hàng xóm mách đổ rượu, nước mắm lên vết bỏng sẽ làm dịu vết thương, tránh phồng rộp và không để lại sẹo, người nhà liền làm theo. Khi vết bỏng gây đau đớn do lở loét, gia đình mới đưa đến bệnh viện.

Rợn người với những cách chữa bỏng truyền miệng - 2

Bệnh nhi 13 tháng tuổi bị hoại tử vết thương do thầy lang đắp lá chữa bỏng buộc bác sĩ phải cắt bỏ phần hoại tử và ghép da (Ảnh: BV Sản Nhi Nghệ An).

Bệnh nhân bị bỏng độ 2, độ 3 với 50% diện tích cơ thể. Vết bỏng bị ăn mòn, nhiễm trùng, đau đớn, gây khó khăn và kéo dài thời gian điều trị cũng như để lại di chứng lâu dài.

Một bệnh nhi 13 tháng tuổi tại huyện Diễn Châu, Nghệ An cũng phải trải qua 2 lần ghép da và hàng tháng trời điều trị tại bệnh viện sau khi gia đình nhờ thầy lang chữa bỏng nước sôi. Vị thầy lang cam kết chữa khỏi bỏng, không để lại sẹo cho cháu bé bằng cách đắp lá thuốc trong vòng 15 ngày, chi phí 25 triệu đồng. Tuy nhiên, sang ngày thứ 3 thì cháu bé bắt đầu sốt cao, vết bỏng sưng nề, chảy dịch màu đục, mùi hôi. Khi người thân đưa bé vào bệnh viện thì vết bỏng đã bị nhiễm trùng, buộc phải cắt bỏ phần hoại tử để ghép da.

Không gây thêm tổn thương cho trẻ

Theo bác sĩ Thái Văn Bình, Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, những năm gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị bỏng nhưng không được sơ cứu đúng cách khiến quá trình điều trị kéo dài và để lại di chứng cho bệnh nhi.

Rợn người với những cách chữa bỏng truyền miệng - 3

Khi trẻ bị bỏng phải sơ cứu đúng cách và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ (Ảnh: BV Sản Nhi Nghệ An).

"Khi trẻ bị bỏng, việc đầu tiên là phải cách ly khỏi tác nhân gây bỏng để tránh tình trạng nặng thêm, sử dụng nước (nước sôi để nguội thì càng tốt) ngâm, xả nhẹ từ 15-20 phút để làm dịu vết bỏng. Tuyệt đối không dùng đá lạnh hay nước đá lạnh, gây bỏng lạnh đối với da đang bị tổn thương. Nếu có băng gạc sạch thì băng phần da bị bỏng, nếu không có thì sử dụng vải sạch để bảo vệ phần tổn thương khỏi các tác nhân và nguy cơ nhiễm trùng khác", bác sĩ Thái Văn Bình cho hay.

Sau khi sơ cứu, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Tuyệt đối không sử dụng kem đánh răng, trứng gà, nước mắm... hay bất kỳ thứ gì khác để tránh gây nguy cơ nhiễm trùng cho vùng da bị bỏng.

Đối với vết bỏng gây phồng rộp, phụ huynh không tự ý chọc thủng phần rộp này bởi sẽ tạo ra vết thương hở và đường dẫn vi khuẩn xâm nhập vào, gây nhiễm trùng, hoại tử... Khi đến cơ sở y tế, trong điều kiện vô trùng, việc xử lý sẽ an toàn hơn.

"Khi trẻ bị bỏng, bố mẹ cần hết sức bình tĩnh để sơ cứu đúng cách. Không nghe hay làm theo các phương pháp chữa bỏng chưa được kiểm chứng để tránh làm vết bỏng bị tổn thương thêm. Trẻ nhỏ hiếu động, do đó phải sắp xếp các vật có nguy cơ gây bỏng, gây nguy hiểm xa khỏi tầm tay của con", bác sĩ Bình khuyến cáo.