1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Robot "huấn luyện dáng đi", cứu người di chứng đột quỵ, tổn thương tủy sống

Tú Anh

(Dân trí) - Lần đầu tiên Bệnh viện Bạch Mai đưa vào sử dụng robot trong phục hồi chức năng, với mục tiêu trả lại cho cộng đồng những người bệnh khỏe mạnh sau đột quỵ, chịu ít di chứng nhất.

Ngày 10/9, Bệnh viện Bạch Mai đưa vào sử dụng Đơn vị mô phỏng bằng hệ thống robot và khai giảng khóa đào tạo nội bộ "Kỹ thuật phục hồi chức năng vận động chi dưới bằng hệ thống robot" cho cán bộ nhân viên Trung tâm Phục hồi chức năng.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nhu cầu phục hồi chức năng do đột quỵ, chấn thương tủy sống... là rất lớn. Tại Bệnh viện Bạch Mai, có hàng nghìn người bệnh có nhu cầu phục hồi chức năng, chữa các di chứng sau bệnh lý.

"Trong phục hồi chức năng, hệ thống robot tập luyện đang ngày càng trở nên phổ biến, nổi bật hơn. Việc ứng dụng công nghệ robot vào phục hồi vận động giúp xử lý được rất nhiều ca bệnh khó, giúp trả lại cho cộng đồng những bệnh nhân khỏe mạnh, chịu ít di chứng nhất sau chấn thương", PGS Cơ nói.

Robot huấn luyện dáng đi, cứu người di chứng đột quỵ, tổn thương tủy sống - 1

PGS.TS Đào Xuân Cơ (bên trái) thăm hỏi bệnh nhân đang tập phục hồi chức năng với hệ thống robot hiện đại (Ảnh: Hồng Hải).

Theo đó, các robot có khả năng mô phỏng và hỗ trợ hiệu quả các cử động của cơ thể lặp đi lặp lại với độ chính xác cao, tần số cử động lớn.

Vì thế, robot kiểm soát được hoàn toàn động tác tập đúng của người bệnh, giảm thiểu những sai số chủ quan giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi các mẫu vận động và cải thiện dáng đi bình thường.

Hệ thống robot tập phục hồi chức năng dần thay thế con người trong quá trình hướng dẫn, điều khiển và hỗ trợ người bệnh với các chuyển động khớp cơ bản, cùng với đó là khả năng hồi phục sức mạnh cơ, dây chằng.

Robot phục hồi chức năng được sử dụng cho các bệnh nhân sau chấn thương, phẫu thuật, hoặc bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh và cơ xương...

"Phương pháp này sử dụng các thiết bị robot hoặc các hệ thống tự động để giúp bệnh nhân thực hiện các bài tập vật lý trị liệu với độ chính xác cao, cường độ phù hợp và sự lặp lại cần thiết.

Ngoài ra phương pháp tập luyện với robot còn có thể tùy chỉnh để cá thể hóa chức năng, hệ thống robot còn có thể ghi nhận lại dữ liệu để theo dõi đánh giá quá trình tiến triển của người bệnh", PGS.TS Lương Tuấn Khanh, Giám Đốc Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai thông tin.

Tuy nhiên, việc phục hồi chức năng cần phải thực hiện sớm để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh. Rất nhiều người bệnh sau đột quỵ, chấn thương tủy sống bị ảnh hưởng chức năng vận động, đi lại... được phục hồi chức năng sớm đã cải thiện, đi lại được, giảm gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.