1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quảng Ngãi: Dịch sốt xuất huyết bùng phát gấp 8 lần

(Dân trí) - Tính đến ngày 29/9, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 800 ca bệnh mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Dịch bệnh bùng phát mạnh ở huyện Bình Sơn, Mộ Đức và TP Quảng Ngãi. Trung bình mỗi ngày có từ 10 15 bệnh nhân nhập viện, gây tình trạng quá tại các cơ sở y tế.

Mỗi ngày hơn 10 ca nhập viện

Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại Bệnh viện ĐK Quảng Ngãi, số bệnh nhân cấp cứu về sốt xuất huyết ngày càng tăng, trung bình có hơn 10 ca bệnh. Hiện ở Khoa Nhiệt đới, có 35 giường bệnh nhưng bệnh viện tiếp nhận và đang điều trị hơn 60 bệnh nhân mỗi ngày; trong đó bệnh nhân đang ở mức độ cảnh báo nguy hiểm và bệnh nặng trầm trọng chiếm khoảng 50% số ca bệnh nhập viện.

Các đơn vị y tế quá tải khi dịch sốt xuất huyết bùng phát
Các đơn vị y tế quá tải khi dịch sốt xuất huyết bùng phát

Tại xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn), đã xuất hiện 4 ô dịch với mức độ lây lan rộng. Hiện nay, hơn 40 người đã mắc dịch sốt xuất huyết và tình trạng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 29/9, ông Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết bùng phát, Trung tâm chỉ đạo các tuyến cơ sở và phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm, triệt phá các hồ nước bẩn. Đặc biệt, giám sát các ca mắc dịch chặt chẽ, hạn chế tình trạng bệnh nhân có nguy cơ trầm trọng hơn. Đồng thời, ngành y tế đang theo dõi về chỉ số véc-tơ do truyền từ muỗi có mầm bệnh”.

Ngành y tế tăng cường phun hóa chất chống côn trùng, lăng quăng và muỗi sinh sản rộng khắp
Ngành y tế tăng cường phun hóa chất chống côn trùng, lăng quăng và muỗi sinh sản rộng khắp

Phòng hiệu quả hơn chữa

Sốt xuất huyết là bệnh do véc-tơ truyền qua vết đốt của muỗi mang mầm bệnh. Véc-tơ chính truyền bệnh sốt xuất huyết từ muỗi Aedes. Vào mùa mưa, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh do điều kiện thuận lợi về môi trường, nơi sinh sản, phát triển, thay đổi hoạt động bay và muỗi cư trú trong nhà dẫn đến đốt người nhiều hơn.

Thời kỳ ủ bệnh trong cơ thể từ 3 - 6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày. Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.

Đối với ở trẻ em, đau họng và đau bụng là triệu chứng thường xuất hiện. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình, lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.

Hiện tại, nước ta chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết. Bác sĩ Nguyễn Tấn Đức – Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Qua triển khai các biện pháp phòng và chống dịch sốt xuất huyết, diễn biến dịch đang chậm lại và tăng cường theo dõi các ca đang mắc bệnh sốt xuất huyết. Nếu từng hộ dân và khu dân cư có ý thức tiêu diệt bọ gậy, côn trùng, lăng quăng, phát quang bụi rậm,… thì khả năng khống chế dịch bệnh tốt hơn”.

Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp trên cả nước, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế gửi thông báo đề nghị Sở Y tế trực thuộc tỉnh, TP Trung ương chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh liên hệ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động xây dựng kế hoạch cung ứng, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh; tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc trên địa bàn; các bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động mua sắm thuốc.

Hồng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm