1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quản lý thực phẩm: Sẽ thẩm định chứ không quản lý trên hồ sơ

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục VSATTP cho biết: "Trong tháng 10 này, Cục VSATTP sẽ trình lên Bộ Y tế phương án thay đổi hoàn toàn cách quản lý sản phẩm thực phẩm nhập khẩu hiện nay. Theo đó, sẽ thẩm định những công bố của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Thông thường, để một sản phẩm thực phẩm được lưu hành trên thị trường, nó phải được Bộ Y tế (Cục ATVSTP) cấp chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Và để được cấp giấy chứng nhận này, tất cả các nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc với thực phẩm (kể cả sản xuất trong nước và nhập khẩu) trước khi đưa ra thị trường đều phải được nhà sản xuất công bố tiêu chuẩn.

Riêng với thực phẩm nhập khẩu, hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm phải có phiếu kết quả kiểm nghiệm về các tiêu chí như trên của nhà sản xuất (đã được Chứng nhận thực hành sản xuất tốt - GMP), Chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát trọng yếu (HACCP) hoặc của cơ quan kiểm định được công nhận của nước xuất xứ.

Hàng nhập khẩu phải được cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm (được Bộ Y tế Việt Nam chỉ định) kiểm tra và cấp giấy thông báo lô hàng đạt chất lượng nhập khẩu và được cấp Giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm mới được lưu thông.

Đánh giá về việc kiểm soát ATVSTP, nhất là với sản phẩm nhập khẩu chỉ thông qua kiểm soát hồ sơ, trên cơ sở tự công bố của nhà nhập khẩu về chất lượng mà không có lấy mẫu, thử nghiệm, không thông qua bất kỳ sự can thiệp nào về kỹ thuật, ông Hồ Tất Thắng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN cho rằng đây là một kẽ hở và cần phải thay đổi.

“Nhất là một trong 10 sản phẩm có nguy cơ cao thì việc kiểm soát nhập khẩu càng phải chặt chẽ hơn, không chỉ dựa vào công bố tiêu chuẩn của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu”, ông Thắng nhấn mạnh. Vì nếu chỉ trên hồ sơ, không thể nào phát hiện ra được sản phẩm, thực phẩm chứa những chất có đảm bảo với an toàn sức khỏe con người hay không.

Ông cũng khẳng định, việc để tình trạng sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt sữa có melamine có xuất xứ từ Trung Quốc vào Việt Nam mà không có sự kiểm tra chặt chẽ, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan nhà nước.

Trước “kẽ hở” được nhìn thấy rất rõ ràng này, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục ATVST phải trình lên phương án thay đổi hoàn toàn phương pháp quản lý VSATTP như hiện nay.

Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, sự thay đổi này bắt đầu ở chỗ: Thay vì chỉ ngồi chờ các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đến nộp hồ sơ, Cục kí giấy phép cho lưu hành, Cục sẽ phải thẩm định những tiêu chuẩn mà nhà sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu công bố.

Tuy nhiên, ông Khẩn cũng cho rằng, để thực hiện được việc thẩm định những tiêu chuẩn của nhà sản xuất, nhập khẩu trước khi cho lưu hành không phải là một điều đơn giản. Vì dù hệ thống labor chuẩn hóa của Việt nam không thiếu nhưng lại luôn bị động. Vì chúng ta chưa đủ tiềm lực, vật chất kỹ thuật cũng như những thiết bị để các labor này luôn ở thế chủ động, vận hành liên tục phục vụ cho công tác kiểm định các thành phần, chất, phụ gia có trong sản phẩm sữa, thực phẩm nói chung.
 
Trong tháng 10 này, Cục ATVSTP sẽ trình lên bộ phương án quản lý an toàn thực phẩm.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Sữa nhiễm hoá chất