Quá trình trầm cảm tới mức muốn tự sát của nam sinh học giỏi

Nam Phương

(Dân trí) - Là một học sinh giỏi nhiều năm liền, được chọn vào đội tuyển tiếng Anh của trường, song nam sinh 18 tuổi bất ngờ xin rút khỏi đội tuyển. Cậu rơi vào trạng thái chán nản, bi quan, thậm chí muốn tự sát.

Chia sẻ về tình trạng trầm cảm ở lứa tuổi học đường chiều 11/10, ThS.BSNT Đỗ Thùy Dung, Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai kể lại câu chuyện của nam sinh 18 tuổi, ở một tỉnh phía Bắc. 

Theo người nhà, nam sinh là con thứ 2 trong gia đình, cậu có tính cách hiền lành, trầm tính, ít nói, ít chia sẻ. Trên lớp cậu cũng có ít bạn, chỉ tập trung vào học, về nhà cũng không đi chơi, không tập thể dục. Thú vui duy nhất của cậu trong lúc rảnh là đọc sách, học bài.

Là học sinh giỏi nhiều năm liền, H. thì đỗ vào trường chuyên của tỉnh và được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi tiếng Anh. Bố mẹ thấy vậy cũng liên tục hối thúc cậu học tiếng Anh. Điều này khiến cậu cảm thấy bị áp lực và dần dần chán nản ghét cả môn học mình yêu thích.

Quá trình trầm cảm tới mức muốn tự sát của nam sinh học giỏi - 1

Ảnh minh họa: H.K.

Thậm chí, cậu xin ra khỏi đội tuyển vì cảm thấy áp lực và chán nản, không còn hứng thú trong việc học. Lâu dần, cậu mất hứng thú, chán nản bi quan, không có định hướng cho tương lai.

Theo BS Dung, khoảng 2 tháng trước khi đến khám, bệnh nhân cảm thấy chán nản tất cả mọi thứ, không muốn học, trên lớp hay ngủ gục trên bàn, không tập trung nghe giảng, không đi chơi, không tham gia các hoạt động với lớp. Về nhà, cậu thường xuyên ở trên phòng không ra ngoài, thường hay cáu kỉnh, khó chịu với mọi người xung quanh. 

Theo BS Thùy Dung, ngoài ra H. cũng ngủ ít hơn, thường chơi điện tử trên điện thoại, máy tính tới 2-3h sáng và không học bài. Khi bố mẹ nhắc nhở, bệnh nhân không nghe lời như trước, ngược lại còn cáu gắt, vùng vằng. Không những thế, nam sinh này còn ăn uống kém, chán ăn, cảm giác không ngon miệng, gầy sút cân. Thậm chí cậu chỉ muốn chết để kết thúc cuộc đời, cuộc sống không còn thú vị. 

Cậu được chẩn đoán bị trầm cảm giai đoạn nặng, có ý tưởng tự sát và được chỉ định nhập viện. Tuy nhiên, vì không sắp xếp được nên bác sĩ kê thuốc cho cậu điều trị ngoại trú. 

Sau khi hết thuốc tình trạng của bệnh nhân không cải thiện. Bệnh nhân không học, không nói chuyện với bố mẹ, sử dụng điện thoại nhiều, không chịu hoạt động, thường xuyên ở một mình trong phòng không ra ngoài, ý nghĩ tự sát còn. Lúc này bệnh nhân buộc phải quay lại tái khám và nhập Viện Sức khỏe tâm thần. 

"Sau 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, khí sắc cải thiện, vui vẻ, không còn suy nghĩ tiêu cực, tích cực tập thể dục thể thao, nói chuyện với mọi người xung quanh nhiều hơn. Bệnh nhân xuất viện về nhà duy trì thuốc và tái khám theo hẹn", BS Dung cho biết.

Hiện H. đã được tuyển thẳng vào một trường đại học trên Hà Nội. 

ThS.BSNT Lê Công Thiện, Trưởng khoa M4, Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia, BV Bạch Mai cho biết trên thế giới tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ở trẻ em hàng năm là 0,3 - 7,8% ở trẻ em dưới 13 tuổi, 1 - 2% ở tuổi 13 và từ 3 - 7% ở tuổi 15.Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ, ước tính tỷ lệ mắc bệnh là 0,5% ở trẻ em 3-5 tuổi, 2% ở trẻ 6 đến 11 tuổi và lên đến 12% ở trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

Đáng lưu ý, các quốc gia có thu nhập thấp hơn hoặc trung bình có tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên cao hơn so với các quốc gia có thu nhập cao hơn (10% đến 13% ở trẻ em trai và 12% đến 18% đối với trẻ em gái).

Để dự phòng tình trạng trầm cảm ở trẻ vị thành niên, BS Thiện khuyên cha mẹ cần đảm bảo sức khỏe tốt cho con, trẻ cần tăng cường luyện tập thể dục thể thao, tăng sự chia sẻ của người thân, duy trì sở thích thói quen, tránh xa các chất kích thích. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần nâng cao hiểu biết về trầm cảm, quan tâm đến các con để phát hiện sớm các dấu hiện trầm cảm để đưa đi khám và điều trị kịp thời.