1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quá đau đớn bé khỏe mạnh tử vong vì tay chân miệng

(Dân trí) - “Chỉ sau 3 ngày mắc bệnh tay chân miệng một đứa trẻ khỏe mạnh đã tử vong là điều quá đau đớn…”, Bộ Trưởng bộ Y tế bày tỏ tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống tay chân miệng (TCM) và triển khai phòng chống sốt xuất huyết (SXH).

Phòng dịch tay chân miệng: Mới chỉ làm cho có!

Theo kết quả thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm trên cả nước đã có hơn 32.500 ca mắc bệnh tay chân miệng trong đó có 81 trường hợp đã tử vong. Dịch bệnh tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre… là các tỉnh thành có số người mắc bệnh cao nhất.
 
Theo nhận định của TS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pastuer thành phố, bệnh TCM vẫn đang ở mức báo động. Hơn nữa loại dịch bệnh này sắp bước vào chu kỳ mới từ tháng 9 đến tháng 11. Nếu không có các biện pháp hữu hiệu để đối phó thì nguy cơ bùng phát một đợt dịch lớn hơn rất khó tránh khỏi. Dịch bệnh bùng phát từ đầu năm, song đến thời điểm này vẫn chưa thể khống chế đẩy lùi.

Quá đau đớn bé khỏe mạnh tử vong vì tay chân miệng - 1
Ngành y tế đang "lơ là" công tác phòng dịch từ trước

Trước tình trạng này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Bộ Y tế, bức xúc: “Tay chân miệng đã bùng phát thành dịch nhưng công tác phòng bệnh của y tế dự phòng chưa mang lại kết quả khả quan… Lý do vì sao tôi đề nghị cần phải xem xét lại. Chúng ta cần phải hành động quyết liệt hơn chứ như thế này là không ổn…”.

Theo bà Kim Tiến, từ trước đến nay ngành y tế chỉ lo chống chứ chưa lo phòng bệnh từ trước. Biện pháp đơn giản để phòng bệnh là “giữ bàn tay sạch” cho trẻ và người nuôi giữ trẻ nhưng không được tuyên truyền và hướng dẫn đúng mức. Vì vậy Bộ trưởng yêu cầu bên cạnh phát cloramin B, ngành y tế hãy phát thêm xà phòng và hướng dẫn vận động người dân rửa tay nhiều lần trong ngày cho trẻ và người nuôi dưỡng trẻ. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Tay chân miệng đã bùng phát thành dịch song lâu nay ngành y tế vẫn lơ là công tác phòng, chỉ chú trong khâu điều trị”. Theo bà Tiến, hệ thống dự phòng cần phải xem lại, công tác chống dịch theo kiểu làm cho có nên không thể dập dịch được.

Sốt xuất huyết, sốt rét - Dịch chồng dịch
 
Trong khi dịch tay chân miệng đang hoành hành thì bệnh sốt xuất huyết và sốt rét cũng dồn dập tấn công khiến khu vực phía Nam phải oằn mình chống đỡ. Bộ Y tế nhận định từ nay đến cuối năm, sốt xuất huyết có thể sẽ tăng lên gấp 3 đến 4 lần.

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang tăng theo chu kỳ trong mùa mưa, nhiều tỉnh SXH có dấu hiệu tăng sớm và cao bất thường. Tại Hội nghị tăng cường phòng chống dịch bệnh, Ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - cho biết: “Từ đầu năm đến nay cả nước có 30.801 trường hợp mắc SXH, loại bệnh này đã cướp đi sinh mạng của 27 người, và tăng 17% so với cùng kỳ năm trước”.

Quá đau đớn bé khỏe mạnh tử vong vì tay chân miệng - 2
Nguy cơ dịch chồng dịch đang đe dọa các tỉnh phía Nam

Sốt xuất huyết đang dồn dập tấn công các tỉnh phía Nam. Những địa phương có số người mắc bệnh tập trung chủ yếu ở TPHCM với trên 5.000 ca, tiếp đến là Cà Mau gần 2.000 ca, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương… mỗi tỉnh trên 1.000 ca.

BS Tăng Chí Thượng, giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Từ đầu năm đến ngày 12/8 bệnh viện đã tiếp nhận 2.159 ca mắc SXH”. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại bệnh viện Nhi Đồng 2, chỉ tính từ ngày 1 đến 14/8 bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 172 ca SXH, trong đó 1 trường hợp đã tử vong.

Bên cạnh SXH, bệnh sốt rét (căn bệnh mà TPHCM đã thanh toán trong vòng 20 năm nay) bất ngờ xuất hiện trở lại, tính đến ngày 15/8 đã có 47 trường hợp phải nhập viện điều trị, số ca mắc bệnh tập trung chủ yếu tại huyện Nhà Bè, tuy nhiên không loại trừ khả năng mầm bệnh đang lưu hành tại đây có thể lây lan sang các quận huyện khác và bùng phát thành dịch.

Trước thực tế trên, ngành y tế đang lo lắng trong những tháng cuối năm sẽ phải đối đầu với nhiều loại dịch bệnh bùng phát cùng lúc trong đó nan giải nhất là TCM và SXH.

Để tránh nguy cơ dịch chồng dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã kêu gọi tăng cường các biện pháp phòng chống TCM và phát động chiến dịch phòng chống SXH năm 2011. Theo đó, từ ngày 01 đến 30/9, các hoạt động: tuyên truyền phòng bệnh, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng, dẹp vật dụng chứa nước để ngăn muỗi sinh sản... sẽ đồng loạt được triển khai trên 20 tỉnh thành phía Nam.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm